Ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm: Đã bị chấn chỉnh nhưng vẫn khó dẹp bỏ

Trong thời gian qua, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp để chấn chỉnh tình trạng ép mua bảo hiểm khi vay vốn nhưng tình trạng này vẫn âm thầm diễn ra dưới những “chiêu trò”mới.

Bên cạnh “lệnh cấm”, dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, NHNN đưa ra quy định phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ dưới mọi hình thức.

“Ép” mua bảo hiểm vẫn âm thầm diễn ra

Thế nhưng, chị Phương Anh (quận 3, TP.HCM) cho biết, vừa thực hiện khoản vay 800 triệu đồng từ một ngân hàng nước ngoài , dù đã thống nhất lãi suất, chị vẫn bị yêu cầu mua bảo hiểm trị giá 5 triệu đồng mà không được thông báo rõ ràng về loại bảo hiểm. Sau nhiều lần từ chối, chị buộc phải chấp nhận để có thể nhận được tiền vay. Sau khi ký hợp đồng, chị mới biết đây là "bảo hiểm sức khỏe người vay vốn mở rộng" với giá 4,9 triệu đồng, thời hạn một năm.

Tương tự, ông T. (quận Bình Thạnh) vay 600 triệu đồng để mua ô tô. Trong quá trình vay, nhân viên ngân hàng yêu cầu ông phải mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 18 triệu đồng để có thể giải ngân nhanh. Sau khi thương lượng, ông đồng ý mua gói bảo hiểm 12 triệu đồng/năm, nhưng sau đó lại bị yêu cầu nâng gói lên 15 triệu đồng/năm. Khi ông không đồng ý mua, thì các nhân viên ngân hàng lại nhờ hỗ trợ" vì đang gặp áp lực chạy doanh số.

Gặp trường hợp “éo le” hơn, chị Thanh (huyện Hóc Môn) chia sẻ câu chuyện của bản thân cách đây không lâu khi vay vốn tại một ngân hàng lớn với tài sản thế chấp là một mảnh đất, có giá trị gấp 3 lần khoản vay.

ban-bao-hieu-qua-ngan-hang-1733472361.jpg
Người vay tiền ngân hàng vẫn phải "cắn răng" mua bảo hiểm dù không muốn

Tuy nhiên, khi làm thủ tục, nhân viên ngân hàng đã yêu cầu phải mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 50 triệu đồng để dễ được duyệt giải ngân. Điều đáng nói, để “lách” quy định của NHNN, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ này sẽ đứng tên…người thân của chị Thanh.

Đáng chú ý, thời gian gần đây một số khách hàng còn bị yêu cầu đóng phí bảo hiểm cho hai năm liên tiếp, thay vì chỉ một năm như trước. Điều này nhằm giảm tỷ lệ hủy hợp đồng trong năm đầu tiên, giúp ngân hàng đáp ứng yêu cầu từ các công ty bảo hiểm.

Điều này diễn ra sau khi Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, trong năm 2023, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm đầu dao động từ 32 - 73%. Nhiều khách hàng cho biết họ "cắn răng" mua bảo hiểm để được giải ngân khoản vay, dù không có nhu cầu thực sự nên sau khi đóng phí năm đầu tiên, thường sẽ bỏ hợp đồng và không tiếp tục duy trì.

Khoản hoa hồng "kếch xù" khiến ngân hàng bất chấp

Theo ông Nguyễn Quang Huy, chuyên gia tài chính tại Đại học Nguyễn Trãi, sở dĩ các ngân hàng bất chấp quy định để “ép” khách hàng mua bảo hiểm là vì các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư có mức hoa hồng rất cao, thậm chí có công ty bảo hiểm trả đến hơn 100% cho đối tác.

Ông Huy cho biết, mặc dù luật đã nghiêm cấm hành vi này, nhưng ngân hàng vẫn có lợi thế "nắm đằng chuôi", vì khách vay vốn vẫn cần sự hỗ trợ từ ngân hàng, do đó không thể từ chối tham gia bảo hiểm. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng đang chịu áp lực phục hồi doanh thu để đáp ứng các hợp đồng đã ký với công ty bảo hiểm. Nếu không đạt chỉ tiêu, ngân hàng sẽ phải trả lại chi phí đã trả trước cho công ty bảo hiểm.

Vì vậy, nhân viên ngân hàng liên tục áp dụng các chiêu thức mới, như nhờ người thân đứng tên hoặc cung cấp ưu đãi lãi suất từ 1-2%/năm nếu khách hàng đồng ý mua bảo hiểm, nhằm khiến khách hàng "tự nguyện" tham gia. Chính các nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận rằng áp lực chỉ tiêu buộc họ phải gợi ý khách hàng tham gia bảo hiểm.

Thực tế, sau một thời gian gặp khó khăn, trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã ghi nhận sự phục hồi tốt trong mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đã mang về cho Techcombank 594 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

hop-dong-bao-hiem-1733472361.png
Có công ty bảo hiểm thậm chí còn trả đến hơn 100% cho đối tác

Trong khi đó, doanh thu hợp tác bảo hiểm của Techcombank năm ngoái đạt 667 tỷ đồng, giảm gần 62% so với năm 2022. Mới đây, Techcombank và Manulife Việt Nam đã công bố quyết định ngừng mối quan hệ đối tác độc quyền kể từ ngày 14/10/2024. Ngân hàng này sau đó sẽ góp vốn thành lập Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Techcom.

Một ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng cao trong mảng bảo hiểm là KienlongBank. Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, mảng bảo hiểm đã mang về cho KienlongBank gần 40 tỷ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ. VPBank cũng có sự phục hồi đáng kể trong mảng bán chéo bảo hiểm, khi doanh thu từ bảo hiểm trong 9 tháng qua đã mang về cho ngân hàng 2.820 tỷ đồng, tăng gần 52%...

Theo bà Hồ Thị Ngọc Như, trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ tại Học viện Bảo hiểm và Quản trị Rủi ro Tài chính (IFRM), cho biết bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tài chính dài hạn, thường yêu cầu khách hàng đóng phí liên tục trong 10 - 20 năm hoặc lâu hơn.

Số tiền đóng bảo hiểm có thể chiếm từ 10 - 15%, thậm chí 20% tổng thu nhập cả năm của một người, vì vậy khách hàng cần có kế hoạch tài chính gia đình rõ ràng trước khi tham gia. Nếu như việc ép mua một món đồ không gây tổn thất lớn thì việc ép mua bảo hiểm nhân thọ sẽ khiến khách hàng mất một khoản tiền lớn và cảm thấy rất ấm ức.

Đặc biệt, nếu không được tư vấn rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ, khách hàng có thể gặp rủi ro bị từ chối chi trả bồi thường. Do đó, chỉ khi được mua một cách tự nguyện, thông qua cách bán minh bạch, bình đẳng và được chi trả quyền lợi đầy đủ thì niềm tin của người dân với bảo hiểm mới được hồi phục.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ngan-hang-ep-khach-mua-bao-hiem-da-bi-chan-chinh-nhung-van-kho-dep-bo-8378.html