Bộ Tài chính nghiên cứu đánh thuế sở hữu nhiều nhà đất: Tránh tạo cú sốc cho thị trường

Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế bất động sản với người sở hữu nhiều nhà đất hiện nay là chưa phù hợp, cần cân nhắc kỹ thời điểm và cách thực hiện để tránh gây sốc thị trường và dẫn đến bán tháo.

Ngày 6/12, Bộ Tài chính nêu quan điểm rằng, để tăng cường hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất, cần nghiên cứu các giải pháp liên quan đến việc thu thuế bất động sản, bao gồm cả thuế đối với nhà nói chung và thuế áp dụng cho các trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất.

Sẽ xem xét nhiều chính sách thuế mới liên quan đến bất động sản

Cũng theo Bộ Tài chính, thời gian qua, có nhiều ý kiến dư luận cho rằng việc đánh thuế bất động sản đối với những người sở hữu hoặc sử dụng nhiều nhà đất trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp. Các ý kiến này nhấn mạnh rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời gian và phương thức thực hiện để tránh tạo cú sốc cho thị trường, dẫn đến tình trạng bán tháo ồ ạt.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Nhà nước đã áp dụng các khoản thu liên quan đến bất động sản trong quá trình xác lập quyền sở hữu và quyền sử dụng, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và lệ phí trước bạ. Ngoài ra, các khoản thu liên quan đến việc sử dụng bất động sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng đã được ban hành.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn chưa có quy định thu thuế đối với nhà trong quá trình sử dụng hoặc chuyển nhượng bất động sản, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

danh-thue-bds-1733574746.png
Sẽ xem xét nhiều chính sách thuế mới liên quan đến bất động sản

Theo Bộ Tài chính, để thực hiện hóa các định hướng nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đổi mới, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, cần xây dựng các giải pháp đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, cần nghiên cứu các giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung cũng như đối với các trường hợp sở hữu nhiều nhà đất.

Ngoài ra, chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới và thông lệ quốc tế. Điều này nhằm khuyến khích việc sử dụng nhà, đất một cách tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ và thúc đẩy sự phát triển minh bạch, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và đánh giá các vướng mắc trong việc thực thi các chính sách thuế liên quan đến bất động sản. Điều này bao gồm các trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đất bỏ hoang, hoặc đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.

Kết quả nghiên cứu sẽ được báo cáo lên cấp có thẩm quyền vào thời điểm phù hợp, đảm bảo sự tương thích với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, thông lệ quốc tế, và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế. Việc cải cách các chính sách thuế liên quan đến bất động sản cũng được đặt trong bối cảnh tổng thể của Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bất động sản tăng không phải do thuế nhẹ hay nặng

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), nhận định bất động sản hiện là lĩnh vực đầu tư "nóng" nhất, với tình trạng đầu cơ gia tăng mạnh mẽ do số người giàu tại Việt Nam tăng nhanh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Ông Phương nhấn mạnh, việc điều tiết thị trường bất động sản cần dựa vào công cụ thuế, và nhiều quốc gia đã coi đây là giải pháp chủ chốt. Để kiểm soát hiệu quả và hạn chế đầu cơ, ông Phương cho rằng Việt Nam cần sớm áp dụng chính sách thuế bất động sản, xây dựng lộ trình cụ thể, quyết tâm chính trị và triển khai ngay từ bây giờ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự đồng tình, nhưng lưu ý việc đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất cần được thực hiện từ từ, dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, ông cho rằng có thể bắt đầu ngay bằng việc đánh thuế bất động sản bỏ hoang. Ví dụ, tài sản bỏ hoang 1 năm có thể chịu thuế 3%/năm, 5 năm là 10%/năm, và 15 năm là 20%/năm.

“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu bất động sản là yếu tố then chốt để quản lý và triển khai chính sách thuế hiệu quả, giúp xác định rõ từng mảnh đất thuộc quyền sở hữu của ai và tình trạng sử dụng ra sao”, ông Thịnh đề xuất.

nha-bo-hoang-1733574745.jpg
Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung và thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế, cho biết Việt Nam chưa ban hành Luật Thuế tài sản hay thuế bất động sản, tuy nhiên, nhiều khoản thu liên quan đã được áp dụng. Khi cấp đất, người dân phải nộp tiền sử dụng đất. Hàng năm, chủ sở hữu nhà đất phải đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, với mức thuế là 0,03% giá trị đất. Ngoài ra, việc đăng ký quyền sử dụng đất cũng phải chịu lệ phí trước bạ 0,5%, và khi chuyển nhượng nhà đất, người bán phải nộp thuế thu nhập 2%.

“Mặc dù không gọi là thuế tài sản, các chính sách tài chính này đã tạo hành lang pháp lý giúp quản lý và điều tiết thị trường bất động sản”, ông Tú cho biết.

Cũng theo ông Tú, gần đây, trên các diễn đàn kinh tế, một số ý kiến đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội để ban hành thuế tài sản hay thuế bất động sản nhằm chống đầu cơ và kéo giá nhà xuống mức hợp lý hơn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ sở lý luận hoặc nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng việc áp dụng thuế tài sản sẽ đạt được các mục tiêu này.

Đất đai là một loại hàng hóa đặc biệt và ngày càng khan hiếm, do đó, tình trạng đầu cơ bất động sản chủ yếu bị chi phối bởi cung cầu thị trường. Khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, giá bất động sản sẽ tăng lên, và tình trạng này còn bị đẩy mạnh bởi các thông tin sai lệch hoặc các hành vi như trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc, khiến giá trị bất động sản tiếp tục leo thang, chứ không phải do thuế nhẹ hay chưa có thuế tài sản.

Chức năng của thuế chủ yếu là điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chứ không phải nhằm mục đích chống đầu cơ trong thị trường bất động sản. Việc áp thêm thuế tài sản sẽ làm gia tăng chi phí đầu vào, từ đó trở thành yếu tố đẩy giá bất động sản lên cao hơn, và cuối cùng, người tiêu dùng, bao gồm cả người mua và người thuê nhà, sẽ là những người phải gánh chịu hậu quả này.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bo-tai-chinh-nghien-cuu-danh-thue-so-huu-nhieu-nha-dat-tranh-tao-cu-soc-cho-thi-truong-8397.html