Khuyến mại “khủng” vẫn hấp dẫn người mua
Còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Hàng hóa cung ứng nhu cầu mua sắm lớn nhất trong năm của người dân cũng đã được các doanh nghiệp đưa ra thị trường. Tại các siêu thị và điểm bán, quầy hàng trưng bày bánh kẹo Tết, nước ngọt bia với bao bì Tết bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Năm nay, người tiêu dùng có xu hướng sắm Tết đơn giản hơn. Tại hội thảo “Xu hướng mua sắm Tết 2025: Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức gần đây, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối Kinh doanh của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Vietnam cho biết, trong 2 tháng Tết, sức mua của người dân thường tăng mạnh.
Tuy nhiên, từ Tết 2024, sức mua tại cả khu vực thành thị và nông thôn đã giảm so với năm trước, do người tiêu dùng muốn dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và chi tiêu tiết kiệm hơn. Đây là sự thay đổi không chỉ trong mùa Tết năm ngoái mà còn dự báo tiếp diễn trong Tết 2025 và các năm sau.
Bà Nga nhận định, vào mùa Tết, nhu cầu cảm xúc của người tiêu dùng thường liên quan đến việc trở về quê, kết nối gia đình hoặc dành thời gian tái tạo năng lượng bản thân. Do đó, ngoài việc sản phẩm phải tốt cho sức khỏe và có bao bì tiện dụng, các sản phẩm cần phải đáp ứng nhu cầu cảm xúc của người tiêu dùng để dễ dàng thu hút và thuyết phục họ chi tiêu nhiều hơn.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, dù tiết kiệm chi tiêu Tết nhưng người tiêu dùng vẫn sẽ bị kích thích với những khuyến mại hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (quận 5, TP. HCM) chia sẻ, chị ưu tiên mua những mặt hàng giảm giá sâu. Ví dụ, bình thường mua 1 món, nhưng nếu giá giảm mạnh thì có thể mua thêm.
Còn chị Trần Thu Trang (quận 8, TP. HCM) cho biết, việc mua sắm online hiện nay rất thuận tiện, còn liên tục có chương trình khuyến mại, miễn phí vận chuyển nên chị chọn kênh này để mua sắm. Không riêng mình chị mà rất nhiều đồng nghiệp của chị cũng thường xuyên mua sắm online, ngay cả những đồ thiết yếu cơ bản hàng ngày như dầu ăn, gia vị, nước mắm…
Trước sự chuyển dịch mua sắm này, thay vì chỉ phụ thuộc vào các kênh bán buôn truyền thống như siêu thị hay cửa hàng tạp hóa, một số nhà sản xuất đã chủ động livestream bán hàng trực tuyến, đưa trực tiếp sản phẩm từ nhà máy đến tay người tiêu dùng. Việc khách hàng có thể nhìn thấy toàn bộ quy trình sản xuất từ nhà máy trở thành một yếu tố hấp dẫn, giúp tạo dựng lòng tin và tăng sự quan tâm từ phía người tiêu dùng.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào
Do xu hướng mua sắm Tết năm nay của người dân thay đổi, các doanh nghiệp cũng tính toán và phân hóa thị trường để xây dựng chiến lược phù hợp. Đại diện một doanh nghiệp cho hay, thị trường miền Nam thường sôi động sớm hơn, trong khi miền Trung và miền Bắc có xu hướng bùng nổ sau. Vì vậy, các doanh nghiệp ưu tiên sản xuất và cung ứng hàng hóa cho miền Nam trước.
Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng ở các thành phố lớn thường nghiêng về các loại nước giải khát ít ngọt, thanh mát và tốt cho sức khỏe, trong khi ở các tỉnh, người tiêu dùng lại chuộng sản phẩm ngọt hơn.
Ông Nguyễn Đức Hồng - chủ một cơ sở sản xuất lạp xưởng và giò chả tại TP. HCM chia sẻ, nhu cầu từ các đại lý hiện vẫn khá chậm, vì vậy cơ sở của ông chỉ sản xuất theo yêu cầu, sản xuất cầm chừng để tránh tình trạng dư thừa hàng hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị dự trữ hơn 12.000 tấn hàng hóa thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường, với mức tăng từ 30% - 50% tùy nhóm hàng so với tháng thường. Cùng với chương trình bình ổn, Co.opmart, Co.opXtra tổ chức khuyến mãi Tết kéo dài 59 ngày đêm, giảm giá mạnh cho 3.500 mặt hàng, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu.
Năm nay là năm đầu tiên Saigon Co.op đẩy mạnh thị trường trực tuyến qua các video ngắn trên Facebook và Tiktok, giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm và kết nối với khách hàng mục tiêu.
Trong khi đó, ông Lâm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Satra cho hay, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025, hệ thống bán lẻ Satra đã lên kế hoạch tăng cường dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng bình ổn thị trường với đa dạng chủng loại, chất lượng cao và giá cả hợp lý. Tổng giá trị hàng hóa thiết yếu được dự trữ trong dịp Tết năm nay của Satra tăng từ 15% - 20% so với Tết năm ngoái.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang triển khai nhiều kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết ra thị trường. Ngoài đảm bảo nguồn hàng phong phú, các doanh nghiệp tại TP. HCM cam kết không tăng giá bán hàng Tết, tổ chức các chuyến hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Cùng với đó, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao và ổn định thị trường, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM đã chủ động phối hợp với chương trình bình ổn thị trường năm 2024 - 2025 của thành phố. Bà Chi nhấn mạnh, sự phối hợp này mang tính chiến lược, vừa phục vụ nhu cầu người dân vừa thúc đẩy kinh tế địa phương trong dịp lễ quan trọng nhất năm.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết 2025 đã được UBND TP. HCM chỉ đạo từ sớm. Năm nay, có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 10 doanh nghiệp so với năm ngoái. Dự kiến tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết 2025 lên tới khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó gần 10.000 tỷ đồng dành cho hàng hóa bình ổn thị trường.
Theo ông Vũ, từ nay đến tháng 1/2025, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường, với một số mặt hàng giảm giá lên đến 80%. Hàng bình ổn thị trường chiếm 21% - 32% thị phần trong những tháng thường, nhưng vào thời điểm cao điểm Tết, con số này tăng lên tới 43%, đủ khả năng chi phối và điều tiết thị trường. Bên cạnh nguồn hàng dồi dào, Sở Công Thương cũng thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả và chất lượng hàng hóa.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cũng cho hay, đơn vị đã chủ động làm việc với các kênh phân phối và các doanh nghiệp, cam kết đảm bảo nguồn hàng đầy đủ nhưng không tăng giá, nhằm tránh tình trạng lợi dụng dịp cao điểm để tăng giá đột biến.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ thị các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát sao cung cầu các mặt hàng thiết yếu và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, tránh tình trạng thiếu hàng hoặc gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp Tết.
Với thị trường hàng hóa Tết dồi dào và cạnh tranh mạnh mẽ, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi có thể sắm Tết với chất lượng hàng hóa hợp lý, phù hợp với nhiều mức ngân sách chi tiêu khác nhau.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hang-hoa-tet-da-len-ke-da-dang-phu-hop-voi-nhieu-muc-chi-tieu-cua-nguoi-tieu-dung-8418.html