Luật sư Trần Minh Hùng: Cần chế tài mạnh hơn để xử lý các sai phạm trong đấu giá đất

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, đấu giá đất cần được xem là mặt hàng đặc biệt, cần thiết có chế tài mạnh hơn để xử lý các sai phạm như bỏ cọc, bỏ đấu giá, tình trạng "quân xanh, quân đỏ"...

Liên quan đến vụ trả 30 tỷ/m2 đất đấu giá tại huyện Sóc Sơn, Công an Thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án "Vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất"; khởi tố 6 bị can về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" quy định tại khoản 2 điều 218 Bộ luật Hình sự.

Theo lời khai ban đầu, nhóm đối tượng tính toán các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m2, ước tính 1,7-3,9 tỷ đồng/lô đất. Nếu vòng thứ 4, có người trả giá vượt mức giá tối đa so với tính toán trên thì nhóm người này sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6). Khi đó, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế.

Tại phiên đấu giá ngày 29/11, khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà các đối tượng đã bàn bạc từ trước, nên tại vòng đấu giá thứ 5, các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm ở mức cao ngất ngưởng lên đến 30 tỷ đồng/m²… dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.

Phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM xoay quanh vấn đề này.

Thưa ông, Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố một số đối tượng liên quan vụ trả giá hơn 30 tỉ đồng/m2 trong phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn. Theo ông, vụ việc này có điểm gì khác biệt so với các vụ vi phạm đấu giá đất trước đây?

Luật sư Trần Minh Hùng: Có thể qua quá trình xác minh, CQĐT phát hiện các đối tượng trên có dấu hiệu bàn bạc thống nhất thực hiện việc nâng giá tại buổi đấu giá nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Trong trường hợp, các đối tượng cố tình hợp tác để làm tăng giá trị của tài sản đấu giá lên mức không phản ánh đúng giá trị thực tế thì có thể xác định đây là một dạng gian lận trong đấu giá, thường xuất phát từ việc các bên liên quan đạt được sự thỏa thuận ngầm để nâng giá tài sản nhằm thu lợi bất chính.

Hơn nữa, theo thông tin thì tổng cộng 36/58 lô đất bị các nghi phạm này thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 rồi bỏ không đấu nữa. Cá biệt, Phạm Ngọc Tuấn trả tới mức 30 tỷ đồng/m2. Cho nên, xét theo tính chất mức độ thì đây có thể là một trường hợp khá đặc biệt cần vào cuộc điều tra, xác minh.

Theo ông, với việc “phá hoại” đấu giá, các bị can sẽ đối diện với hình phạt nào?

Luật sư Trần Minh Hùng: Căn cứ Điều 70 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan như sau: “Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

dat-4-1733713737.jpg
Các nghi can trong vụ đấu giá đất bất thường tại Sóc Sơn, Hà Nội

Tại Điểm b Khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định: “Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây: Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”.

Như vậy, hành vi thông đồng móc nối với người tham gia đấu giá là hành vi cấm theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016. Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức xử phạt hành chính: Căn cứ Điểm d, Khoản 4 Điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4  Điều 24 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Còn về trách nhiệm hình sự, tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" có khung hình phạt lên đến 5 năm tù, phạt tiền đến 1 tỉ đồng, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm đối với cá nhân phạm tội.

Có thể thấy, ở các cuộc đấu giá đất vừa qua, dư luận khá xôn xao trước hành vi trả giá lên ngất ngưởng nhưng khi trúng thì bỏ cọc. Ông nhìn nhận thế nào về sự bất thường này?

Luật sư Trần Minh Hùng: Hành vi thông đồng thổi giá đất có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm việc các bên đấu giá đồng ý tăng giá một cách giả tạo hoặc phối hợp với nhau để đẩy giá lên cao hơn.

anh-man-hinh-2024-12-09-luc-101128-1733713904.png
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Việc này đã dẫn tới kết quả cuộc đấu giá không khách quan, bị sai lệch và gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người những tham gia đấu giá khác, có thể bị thiệt hại tài chính do phải trả giá cao hơn so với giá trị thực của tài sản.

Điều này có thể dẫn đến sự không công bằng, làm giảm sự tin tưởng vào hệ thống đấu giá, đồng thời không phản ánh đúng giá trị thực của tài sản, dẫn đến sự méo mó trong giá cả thị trường. Thị trường bất động sản vì thế mà trở nên không ổn định và khó dự đoán.

Mặc khác, cách tổ chức đấu giá nhiều vòng cũng tạo "kẽ hở" khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thông đồng nâng hoặc dìm giá. Mặc dù việc tổ chức theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp qua nhiều vòng có thể tạo cơ hội cho người tham gia đấu giá gặp nhau, trao đổi, bàn bạc về việc trả giá.

Một bất cập lớn trong cuộc đấu giá trên là khách hàng không bị mất tiền đặt trước dù có hành vi trả giá cao ở vòng đấu trước rồi bỏ ngang hoặc điền phiếu trả giá không hợp lệ ở vòng đấu sau.

Để ngăn chặn những phiên đấu giá bất thường như vậy, theo ông cần những giải pháp gì?

Luật sư Trần Minh Hùng: Hiện chưa quy định nào xử lý việc người tham gia trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu, dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Thậm chí, việc xử lý mới chỉ xem xét đến khoản tiền đặt trước của người đấu giá. Các chế tài hành chính, hình sự với các hành vi này nếu có cần phải do cơ quan có thẩm quyền làm rõ.

Do đó, cần bổ sung quy định về xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá. Trong đó, quy định rõ việc xử phạt đối với trường hợp tự hủy kết quả trúng đấu giá đất để ngăn chặn các tiêu cực.

dat-1-1733713641.jpg
Khu đất đấu giá tại Sóc Sơn, Hà Nội

Ngoài ra, trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Đấu giá đất cần được xem là mặt hàng đặc biệt, cần thiết có chế tài mạnh hơn để xử lý các sai phạm như bỏ cọc, bỏ đấu giá, tình trạng "quân xanh, quân đỏ"...

Đối với người tham gia, cách bảo vệ mình tốt nhất là phải trang bị những kiến thức cơ bản, nắm rõ được trình tự, thủ tục của phiên đấu giá. Nắm rõ thời gian, thành phần hồ sơ của phiên đấu giá. Nhanh chóng thực hiện các quyền khiếu nại tố cáo khi thấy các sai phạm của cơ quan, tổ chức đấu giá.

Xin cảm ơn ông về những thông tin chia sẻ hữu ích này!

H.P

Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo thủ tục đấu giá tài sản, đòi hỏi công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng. Nếu có hành vi tác động, can thiệp vào thủ tục đấu giá tài sản, khiến cho việc đấu giá tài sản không thể thực hiện được hoặc thông đồng với nhau dìm giá hoặc tăng giá trái pháp luật để trục lợi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường rồi bỏ cọc, khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS.

Trường hợp có hành vi thông đồng với nhau để thao túng hoạt động đấu giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, nhằm mục đích dìm giá để trục lợi thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 BLHS, với hình phạt cao nhất có thể tới 5 năm tù.

Với vụ đấu giá đất nói trên, việc trả giá đến hơn 30 tỷ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn là bất thường và thể hiện ý thức coi thường hoạt động đấu giá. Do đó, việc CQĐT tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật là hoàn toàn phù hợp, thể hiện sự răn đe mạnh mẽ từ các cơ quan có thẩm quyền

(Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp)

 

Hoài Phong (thực hiện)

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/luat-su-tran-minh-hung-can-che-tai-manh-hon-de-xu-ly-cac-sai-pham-trong-dau-gia-dat-8419.html