Trước thềm kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khoá X, cử tri TP.HCM đã gửi các ý kiến đến chính quyền, các ngành chức năng Thành phố phản ánh nhiều vấn đề xã hội, dân sinh.
Cử tri kiến nghị xem xét lại bảng giá đất
Cử tri huyện Củ Chi đã nêu lên những khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở. Theo luật đất đai hiện hành và Thông tư 06/2022/TT-BXD, yêu cầu về đường giao thông tiếp giáp thửa đất tối thiểu 3,5m để xe chữa cháy lưu thông đang gây trở ngại lớn cho người dân.
Cử tri cho rằng quy định này vốn được thiết kế cho chung cư và nhà cao tầng, không phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông và nhu cầu xây dựng nhà ở riêng lẻ, quy mô nhỏ tại Củ Chi. Việc áp dụng cứng nhắc đang tạo ra rào cản cho người dân, khiến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà ở gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến tình trạng xây dựng không phép.
Vì vậy, cử tri huyện Củ Chi kiến nghị chính quyền xem xét điều chỉnh quy định, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc sử dụng đất và xây dựng nhà ở, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Cử tri huyện Cần Giờ đề nghị xem xét giảm diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa để người dân thực hiện việc tách thửa đất cho con và thực hiện xây dựng nhà ở.
Đáng chú ý, nhiều người dân bày tỏ lo ngại về bảng giá đất hiện nay quá cao, gấp khoảng 20 lần so với trước đây (ví dụ: 7,8 triệu đồng/m2 trên đường Trung Lập, xã Trung Lập Thượng).
Điều này khiến chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở để xây nhà cho con trở nên quá sức đối với nhiều gia đình. Trong bối cảnh cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân mong muốn chính quyền xem xét điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp hơn với khả năng tài chính của người dân, tạo điều kiện cho việc an cư lạc nghiệp.
Đề xuất chính sách vay ưu đãi
Thực tế, dù đã giảm so với bảng giá trước đó nhưng bảng giá đất mới cũng khiến nhiều người dân gặp khó khăn nhất là trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông Hải, một người dân ở huyện Củ Chi cho biết, đã nộp đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng 1.000 m2 đất từ tháng 7/2022. Thời điểm đó, ông dự kiến phải đóng khoảng 1,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất (1,3 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, thủ tục kéo dài khiến đến nay việc chuyển đổi vẫn chưa hoàn thành.
Điều đáng nói là giá đất đã tăng gấp 8 lần so với thời điểm ông nộp đơn, đẩy số tiền sử dụng đất lên tới 10 tỉ đồng. Con số này quá lớn khiến ông Hải phải cân nhắc lại quyết định chuyển đổi. Hiện tại, ông đang xem xét chuyển sang phương án đầu tư dự án du lịch canh nông thay vì tiếp tục theo đuổi việc chuyển đổi sang đất ở.
Không chỉ riêng huyện Củ Chi mà huyện Hóc Môn và nhiều nơi khác giá đất tăng đến 30 lần. Trong khi giới đầu cơ bất động sản hưởng lợi từ việc "nước lên, thuyền lên" thì người dân địa phương, đặc biệt là những gia đình nông dân đông con, lại phải gánh chịu những khó khăn chồng chất.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt An Hoà nhận định, mặc dù bảng giá đất tiếp cận theo giá thị trường, đúng theo tinh thần của luật đất đai mới, tuy nhiên đã gây ra sự khó khăn rất lớn đối với người dân có nhu cầu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở, kinh doanh thương mại, dịch vụ,…
Theo ông Quang, ở vùng trung tâm ổn định như Quận 1, Quận 2, Quận 3, Quận 10,… có rất ít đất nông nghiệp nên không ảnh hưởng nhiều. Còn những vùng ven như TP Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn,… bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Chúng ta thấy rất rõ là bảng giá đất mới so với bảng giá cũ tăng từ 4-35 lần. Những khu vực càng xa thì càng tăng nhiều. Mặc dù chưa bằng giá thị trường nhưng nó tạo ra một cú sốc đối với những người mà muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp lên đất ở, đây là một bài toán lớn và cũng gây ra sự khó khăn đối với người dân” - ông Quang phân tích.
Ông Quang cũng cho rằng, các phương án hỗ trợ nhằm giảm tải khó khăn này cho người dân cũng rất khó. Vì bảng giá đất nó mang theo nguyên tắc của luật đất đai và nguyên tắc thị trường. Trừ khi có chính sách về nộp tiền sử dụng đất có thể là 0.5, 0.6 thì sẽ hợp lý hơn.
Hoặc UBND TP.HCM nhờ các ngân hàng hỗ trợ một chính sách cho vay ưu đãi hay gói tín dụng ưu đãi cho người dân nộp tiền sử dụng đất. Có thể cho vay 70-80% giá trị trên quyền sử dụng đất phải nộp.
“Hiện tại ngân hàng cũng đang hỗ trợ cho chuyện này nên tôi nghĩ không khó. Vấn đề là cần có gói tín dụng ưu đãi hơn. Ví dụ lãi suất hiện nay là 6.5%, nếu như có một chính sách kết hợp giữa ngân hàng, người dân và địa phương thì lãi suất ưu đãi có giảm xuống 5 hoặc 5.5% sẽ tạo điều kiện cho người dân nộp tiền sử dụng đất dễ dàng hơn” – ông Quang gợi mở.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-cho-nguoi-dan-tphcm-vay-70-80-tien-su-dung-dat-phai-nop-8428.html