TP. HCM: Người dân hào hứng, lên kế hoạch chờ ngày Metro hoạt động

Anh Trần Hoàng Long cũng rất háo hức trước thông tin metro số 1 đi vào hoạt động bởi anh sẽ bớt vất vả di chuyển đi làm. Anh chia sẻ, nơi anh trọ cách ga metro Suối Tiên chỉ hơn 2km. Anh dự định sẽ mua một chiếc xe đạp gấp để đi từ nhà ra ga, sau đó lên metro đến ga Bến Thành. Từ đó, anh đi tới công ty ở đường Hàm Nghi.

Bỏ xe máy để chọn metro 

Phan Thị Hương đang là sinh viên năm cuối một trường đại học trên địa bàn TP. HCM. Nhưng để tiết kiệm chi phí, cô chọn thuê trọ tại Tân Lập, TP. Dĩ An (Bình Dương). Những ngày qua, xóm trọ của cô xôn xao về thông tin metro sẽ chính thức vận hành vào tháng 12 này. Đang làm thêm tại quận 3, Hương dự định sẽ bỏ xe máy ở nhà để sử dụng metro đi làm.

Hương cho biết, từ nhà trọ đến nơi làm việc khoảng 20km. Nếu không gặp kẹt xe, cô thường mất gần 60 phút để đến chỗ làm. Nhưng vào giờ tan tầm, cô thường phải đi sớm trước 16h để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông ở những điểm nóng như chân cầu Sài Gòn, vòng xoay Điện Biên Phủ hay ngã tư Thủ Đức.

metro-so-1-2-1733805856.jpg
Metro số 1 sẽ chính thức vận hành vào ngày 22/12 (Ảnh: Trung Dung/Thanh Niên)

Hương dự định sẽ đi bộ ra ga Suối Tiên, cách nhà hơn 1km, rồi đi tàu metro đến ga Bến Thành. Sau đó, cô sẽ tiếp tục hành trình bằng xe đạp hoặc xe buýt để đến chỗ làm cách đó khoảng 2km. Hương còn vui vẻ bảo, nếu metro chạy đúng tốc độ công bố, cô sẽ có thêm thời gian để thưởng thức tách cà phê và chuẩn bị đồ ăn sáng.

Lê Nguyễn Đại Nam hiện đang sống tại Bình Thạnh, cũng đang tính toán về thời gian và chi phí khi sử dụng metro để đến trường trong tháng tới. Từ khi còn học THCS, cậu đã nghe nói về kế hoạch xây dựng tàu metro và luôn mong chờ ngày được trải nghiệm.

Nam cho hay, cậu may mắn là một trong những sinh viên được trải nghiệm tàu metro trong lần chạy thử trước. Nam rất hào hứng chia sẻ, trên tàu có máy lạnh, có người hướng dẫn và ghế ngồi rất thoải mái. Sau này đi học, mình chỉ cần quẹt thẻ, lên tàu, ngồi đọc sách vài trang là đã đến trường. Thậm chí, nếu cần làm việc gấp, mình cũng có thể chạy deadline ngay trên tàu nữa.

Anh Trần Hoàng Long cũng rất háo hức trước thông tin metro số 1 đi vào hoạt động bởi anh sẽ bớt vất vả di chuyển đi làm. Anh Long đang trọ tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), nhưng lại làm việc ở quận 1. Mỗi ngày phải di chuyển quãng đường 22km khiến anh cảm thấy rất vất vả. Anh thường thức dậy lúc 5h15 và rời nhà trước 6h10 để tránh kẹt xe. Vì nếu trễ chỉ 10 phút thôi, anh sẽ phải đối mặt với ùn tắc ở ngã tư Bình Thái và cầu Rạch Chiếc.

Anh chia sẻ, nơi anh trọ cách ga metro Suối Tiên chỉ hơn 2km. Anh dự định sẽ mua một chiếc xe đạp gấp để đi từ nhà ra ga, sau đó lên metro đến ga Bến Thành. Từ đó, anh đi tới công ty ở đường Hàm Nghi. Do phải di chuyển bằng metro ít nhất hai lượt mỗi ngày, anh chọn mua vé tháng trị giá 300.000 đồng/tháng để thuận tiện cho việc đi lại.

Anh Long bảo, việc mang xe đạp gấp lên tàu rất tiện lợi, vì sau đó anh có thể đạp xe từ ga Bến Thành đến công ty. Thỉnh thoảng, buổi tối anh còn đạp xe qua các khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận để gặp bạn bè, rồi đạp về ga Tân Cảng để bắt metro về lại nhà trọ. Nếu không, anh sẽ gửi xe đạp tại bãi xe. Anh bộc bạch, metro chính thức vận hành, đây là bước đột phá lớn của giao thông công cộng thành phố, đi tàu vừa an toàn, vừa tránh nắng mưa. Người dân TP. HCM đã chờ đợi công trình này rất lâu rồi.

metro-so-1-1-1733805740.jpg
Tuyến metro sẽ vận hành với tốc độ tối đa 80 km/h, tần suất khai thác từ 3 - 6 phút mỗi lượt (Ảnh: Anh Tú/Lao Động)

Những điều cần lưu ý khi đi tàu

Metro số 1 là tuyến metro đầu tiên của TP.HCM, dài 19,7 km, đi qua các quận 1, 3, 10, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP.Thủ Đức. Tuyến metro này có 3 ga ngầm: Bến Thành, Ba Son và Nhà hát Thành phố, cùng với các ga trên cao hiện đại, kết nối các khu vực đông dân cư và các trung tâm kinh tế trọng điểm.

Khi đi vào hoạt động, tuyến metro sẽ vận hành với tốc độ tối đa 80 km/h, tần suất khai thác từ 3 - 6 phút mỗi lượt và có công suất vận chuyển lên đến 37.000 hành khách mỗi giờ mỗi hướng.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa ban hành quy định đầu tiên về quản lý và điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị cho tuyến metro số 1. Theo quy định này, vé metro hợp lệ do doanh nghiệp vận hành phát hành, với đầy đủ thông tin chi tiết tùy theo loại vé mà hành khách chọn mua.

Hai loại vé chính được áp dụng gồm vé lượt và vé bán trước. Vé lượt cho phép hành khách đi một lượt trên tuyến metro trong ngày, trong khi vé bán trước dành cho người sử dụng dịch vụ thường xuyên, áp dụng cho một hoặc nhiều tuyến và có thời gian sử dụng từ một ngày trở lên.

Hệ thống bán vé tại các ga được thiết kế để hỗ trợ vé điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thanh toán qua các phương thức linh hoạt như tiền mặt, thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử.

Doanh nghiệp vận hành tuyến metro sẽ niêm yết giá vé công khai tại các ga và trên các trang thông tin điện tử chính thức trước khi áp dụng. Hành khách cần chú ý tìm hiểu kỹ về cách thức mua vé, thanh toán và lựa chọn vé sao cho phù hợp với nhu cầu di chuyển.

Ngoài ra, hành khách sẽ được cấp thẻ vé để vào và ra qua cổng soát vé tại các ga. Trong trường hợp muốn đi xa hơn điểm đến đã ghi trên vé hoặc gặp sự cố với vé, hành khách cần mua vé bổ sung nếu đã qua ga hoặc không có vé hợp lệ khi ra cửa.

Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành) khuyến cáo, người dân nên theo dõi lịch trình, giá vé và các ga thông qua website hoặc ứng dụng để đảm bảo đi đúng giờ.

Hành khách cũng cần chú ý lắng nghe các thông báo trên tàu và tại nhà ga để nắm rõ thông tin về các điểm dừng tiếp theo, cũng như các sự cố bất thường nếu có. Đồng thời, cần giữ gìn trật tự, không chen lấn xô đẩy, và nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người khuyết tật.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-nguoi-dan-hao-hung-len-ke-hoach-cho-ngay-metro-hoat-dong-8447.html