Ngại phải trả giá nên chọn mua online
Tình trạng "nói thách" không phải là chuyện mới mẻ tại các chợ truyền thống, nhưng nó lại đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong mắt không ít người tiêu dùng hiện đại. Những câu chuyện về việc người mua bị "hét" giá cao gấp nhiều lần so với giá thực tế không còn là chuyện hiếm gặp, đặc biệt là ở các chợ du lịch hoặc các khu chợ nổi tiếng.
Phan Ngọc Bích (Cầu Giấy, Hà Nội) đã lâu không đi chợ truyền thống vì không chịu nổi việc bị nói thách giá cao gấp 4 - 5 lần, rồi lại mất công mặc cả. Bích bảo, đi chợ như tham gia chương trình “Hãy chọn giá đúng”, thử thách là phải trả giá thấp nhất. Còn mua online, cô có thể lựa chọn, thoải mái so sánh giá mà không bị mắng.
Nếu chờ các đợt giảm giá và áp mã khuyến mại, cô còn có thể mua được nhiều sản phẩm với giá chỉ vài chục nghìn đồng, thay vì phải trả cả vài trăm nghìn đồng như ở chợ. Đặc biệt, hàng còn được giao tận nhà với chính sách đổi trả. Mua sắm online giúp Trúc Ngọc tiết kiệm 15 - 20% chi phí hàng tháng. Trong khi đó, anh trai của Bích còn ví việc mua hàng online như một "phao cứu sinh", giúp tránh những lời phàn nàn "đàn ông suốt ngày mặc cả như phụ nữ" mỗi khi mua sắm.
Không chỉ với các sản phẩm thiết yếu hàng ngày, nhiều khách hàng còn gặp khó khăn lớn hơn với tình trạng "nói thách" khi mua các món đồ trang trí cho các dịp lễ như Giáng sinh và Tết Nguyên đán. Thông thường, những sản phẩm chỉ mua một lần trong năm.
Mỗi mùa Noel, con phố Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP. HCM) lại trở nên sôi động và rực rỡ. Tuy nhiên, không ít khách hàng tỏ ra e dè khi bước vào các cửa hàng tại đây, đặc biệt là khi gặp phải tình trạng không niêm yết giá và "nói thách". Chị Ngô Thị Minh (quận 10) cho biết, mỗi lần hỏi giá một món hàng, nhân viên lại phải hỏi ý kiến đồng nghiệp khác. Điều này không chỉ gây bất tiện mà còn khiến chị cảm thấy thiếu minh bạch trong giao dịch.
Điển hình, chị mua một chiếc vòng nguyệt quế và được báo giá 230.000 đồng. Sau khi mặc cả, bà mua chiếc vòng với giá 190.000 đồng. Tuy nhiên, khi đi ngang qua một xe bán hàng rong "tự làm" gần đó, chị lại được người bán báo giá 150.000 đồng mà không cần mặc cả.
Chị Trần Thu Trang (Hà Nội) kể, trong chuyến đi du lịch tại TP. HCM, chị đã ghé qua chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP. HCM). Khi hỏi giá một chiếc áo gió tại cửa hàng ở tầng 1 , chị được người bán báo giá 200.000 đồng. Nhưng khi sang quầy kế bên, chiếc áo y hệt lại chỉ có giá 170.000 đồng. Thấy chị có ý bỏ đi, người bán này vội hạ xuống 150.000 đồng và tiếp tục giảm còn 120.000 đồng.
Bỏ thói quen “nói thách”
Đại diện một khu chợ có tiếng tại TP. HCM thừa nhận, tình trạng "nói thách" khiến khách mua cảm thấy không thoải mái. Ban quản lý chợ không thể ép tiểu thương bán đúng giá niêm yết, vì ở môi trường chợ, tâm lý trả giá và cách thức bán hàng của mỗi người khác nhau. Điều quan trọng là giá cả không được chênh lệch quá nhiều giữa các sạp và phải hợp lý với giá thực tế.
Trong khi đó, bà Trần Thị Ngọc - một tiểu thương có thâm niên tại chợ Bến Thành (TP. HCM) cho biết, bà thường xuyên vận động các tiểu thương khác không nên để khách hàng "mua một lần rồi đi luôn". Bà lo ngại chỉ vì một tiểu thương có thái độ không tốt, cả chợ sẽ bị mang tiếng xấu.
Ông Thái Bình Sơn - Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP. HCM) chia sẻ, ban quản lý luôn khuyến cáo tiểu thương nghiêm túc thực hiện niêm yết giá, giữ thái độ tích cực với khách hàng và xử lý nghiêm các vi phạm. Do đó, thời gian qua, tại chợ xảy ra rất ít vụ vi phạm.
Theo ông Sơn, dù gặp phải sự cạnh tranh từ các kênh bán hàng trực tuyến, chợ truyền thống vẫn có sức hút và lợi thế riêng, như sự thuận tiện, khách hàng được trải nghiệm thực tế "chọn tận tay, nhìn tận mắt". Nếu cải thiện thái độ kinh doanh và vấn đề giá cả, chợ truyền thống vẫn sẽ là điểm đến của nhiều khách hàng, đặc biệt là những người xem đi chợ như một văn hóa, thói quen.
Giáo sư, tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho rằng, văn hóa "nói thách" đã tồn tại từ lâu trong các ngôi chợ truyền thống và hoạt động buôn bán nhỏ lẻ ở Việt Nam. Dù có thể nhìn nhận đây là một nét "văn hóa" với góc nhìn tích cực, nhưng thực tế, thói quen này lại dễ dẫn đến sự thiếu trung thực và đôi khi còn khiến người bán cảm thấy vui vì khách hàng “mua hớ”.
Tuy nhiên, khi khách hàng biết được điều này thì họ sẽ “một đi không trở lại”. Người bán sẽ mất nhiều hơn được.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tồn tại trong kỷ nguyên số, các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ cần thay đổi. Việc niêm yết giá rõ ràng và minh bạch, đồng thời từ bỏ thói quen "nói thách" là điều kiện tiên quyết để cạnh tranh với các chợ mạng. Người tiêu dùng ngày nay không còn thời gian để mặc cả, vì vậy họ sẽ không chọn những nơi mà họ cảm thấy bị "chặt chém".
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/noi-thach-va-bai-toan-giu-khach-tai-cho-truyen-thong-8500.html