Theo Liên Hợp Quốc, quá trình số hóa và kết nối Internet toàn cầu hiện nay đang có tới 99% lượng dữ liệu quốc tế được truyền tải qua cáp ngầm. Điều này nghĩa rằng hầu hết mọi người trên thế giới đang phụ thuộc ít nhiều vào chúng để gửi email, tin nhắn, truy cập website, mạng xã hội, phát livestream và nhiều mục đích khác. Các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp cũng cần chúng để liên lạc nội bộ, giao thương với thế giới bên ngoài….
Sự cố vỡ đường ống cáp ngầm đa phần xảy ra do cơ sở hạ tầng cũ kỹ, thời tiết và tai nạn, cũng như hành vi phá hoại của con người (vụ hai đường ống bị đứt bên dưới biển Baltic vào tháng 11 năm nay).
Theo dữ liệu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), trong năm 2023 có khoảng 200 sự cố cáp ngầm được báo cáo. Khoảng 80% trong số đó là do thiên tai hoặc liên quan tới hoạt động của con người như neo tàu đâm thủng… Khi cáp ngầm bị đứt, dữ liệu có thể được định tuyến lại sang các cáp khác nhưng ở những nơi xa xôi thì điều này sẽ khó khăn hơn nhiều. Đơn cử, tại Tonga ở Thái Bình Dương, cáp ngầm hư hại do trận sóng thần năm 2022 đã cắt đứt tuyến cáp này trong vòng một tháng.
Chính vì tầm quan trọng của mạng lưới cáp ngầm, Liên Hợp Quốc đã thành lập một cơ quan công nghệ mới để phụ trách các vấn đề liên quan, nhằm tăng cường bảo vệ cáp ngầm, giúp gia cố cáp trước các nguy cơ hư hại, đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý, sửa chữa khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Cơ quan tư vấn quốc tế về khả năng phục hồi cáp ngầm bao gồm 40 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới từ các khu vực công và tư nhân bao gồm đại diện từ các nhà khai thác cáp ngầm, các công ty viễn thông và các cơ quan chính phủ. Một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo được lên kế hoạch tại Nigeria vào tháng 2.
Tomas Lamanauskas, Phó Tổng thư ký ITU phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp đầu tiên của nhóm mới rằng: “Cơ quan này sẽ xác định các vấn đề chính để đảm bảo cáp ngầm được xây dựng, triển khai và bảo trì với khả năng phục hồi tốt hơn”.
"Đây chắc chắn không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là vấn đề có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Và dù chúng ta thấy cơ sở hạ tầng quan trọng này dễ bị gián đoạn như thế nào", ông nói.
Lamanauskas cho biết ITU đôi khi nhận được báo cáo về hành vi phá hoại nhưng hiện tại họ không có thẩm quyền để điều tra những vấn đề như vậy hoặc đổ lỗi.
Tuy nhiên, ông hy vọng cơ quan mới sẽ giúp giải quyết tình trạng gián đoạn, bất kể nguyên nhân là gì, bằng cách khôi phục dịch vụ nhanh hơn, chẳng hạn như thông qua việc đẩy nhanh quá trình cấp phép.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ghi-nhan-khoang-200-su-co-moi-nam-lien-hop-quoc-tang-cuong-bao-ve-cap-ngam-8507.html