TP. HCM: Nỗi lo phát sinh bệnh tật khi nước sinh hoạt của nhiều chung cư không đạt chất lượng

Sở Y tế TP. HCM cho biết, theo kết quả giám sát nước sinh hoạt trong bể chứa ở nhiều chung cư năm 2024, có một số chỉ tiêu không đạt theo quy định như thông số clo dư, coliform tổng số, E.coli... Điều này làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng nguồn nước sinh hoạt.

Nước dư Clo và có khuẩn E.coli

Kết quả giám sát của Sở Y tế TP. HCM về chất lượng nước sinh hoạt qua bể chứa nước ở chung cư và khu vực có bể chứa nước tập trung trên địa bàn mới đây cho thấy, một số chỉ tiêu chất lượng nước không đạt yêu cầu theo quy định, đặc biệt là các thông số như Clo dư, Coliform tổng số và E.coli… Điều này làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng nguồn nước sinh hoạt.

Trước thông tin này, nhiều người dân bày tỏ lo ngại. Chị Nguyễn Thị Loan (TP. Thủ Đức) chia sẻ, thi thoảng khi mở vòi nước trong nhà, chị ngửi thấy mùi Clo khá nồng. Chị cảm thấy lo ngại về việc dư lượng Clo trong nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình mình, đặc biệt là với hai đứa trẻ nhỏ.

nuoc-sinh-hoat-1-1734496996.jpg
Kết quả giám sát của Sở Y tế TP. HCM cho thấy, một số chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt không đạt yêu cầu

Còn chị Trần Thúy Lan Anh (quận 5) lại bày tỏ lo lắng khi trong nước có vi khuẩn E.coli. Chị Lan Anh chia sẻ, chị đọc báo thấy nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến E.coli, nếu nước sinh hoạt hàng ngày chứa loại vi khuẩn này thì sẽ có tác động tiêu cực thế nào tới sức khỏe người dân?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP. HCM, nguồn nước thường chứa nhiều loại vi khuẩn có thể gây bệnh cho con người. Tuy nhiên, việc xét nghiệm tất cả các loại vi khuẩn gây bệnh là rất tốn kém, vì vậy người ta thường lựa chọn một số loài vi sinh vật như E. coli, coliform, clostridium và pseudomonas để xác định mức độ ô nhiễm của nước. Ngoài ra, còn có thể có các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột khác như salmonella, campylobacter và vi khuẩn gây bệnh dịch tả.

Trong đó, các vi khuẩn như coliform và pseudomonas ít nguy hiểm đối với người khỏe mạnh nhưng có thể gây bệnh về đường tiêu hóa cho những người có hệ miễn dịch yếu, như trẻ em hoặc người suy giảm miễn dịch. Vi khuẩn clostridium thường chỉ phát triển trong môi trường thiếu oxy, tuy nhiên, do trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu, vi khuẩn này vẫn có thể sinh sôi trong đường ruột của trẻ và tiết ra độc tố gây nguy hiểm. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, người dân nên đun sôi nước trước khi sử dụng để loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh.

Nếu gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh, người có bệnh lý suy giảm miễn dịch hoặc người đang mắc bệnh nền, cần đặc biệt chú ý đến chất lượng nước sạch. Việc uống phải nước ô nhiễm có thể dễ dàng dẫn đến các bệnh lý về đường ruột và nhiễm trùng. Nếu sau khi sử dụng nước, có người bị buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Nhiều chuyên gia ngành nước cho hay, việc sử dụng Clo trong công nghệ xử lý nước tại các nhà máy nước nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, nếu hàm lượng Clo dư thừa không được loại bỏ hoàn toàn, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe người sử dụng.

Nghiên cứu khoa học cho thấy, dư lượng Clo trong nước là một trong những nguyên nhân gây ra một số bệnh lý như hen suyễn, rối loạn chức năng gan, và nghiêm trọng hơn, có thể làm suy yếu hệ miễn dịch.

Ngoài ra, nếu người dân tiếp xúc lâu dài với mùi Clo trong không gian kín, sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Các dấu hiệu có thể bao gồm ho, khó thở. Clo còn có tính oxy hóa mạnh, có thể gây tràn dịch màng phổi, sưng tấy tế bào hồng cầu và thậm chí gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

nuoc-sinh-hoat-1734496996.jpg
UBND TP. HCM đã có văn bản gửi sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng nước sạch

Siết chặt công tác quản lý chất lượng nước sạch

Liên quan đến tình trạng này, ngày 16/12/2024, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan về việc thực hiện công tác quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các chung cư trên địa bàn thành phố.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn thành phố, đảm bảo tuân thủ các quy định về chất lượng nước.

Sở Xây dựng cũng cần phối hợp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty Cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn và các đơn vị liên quan để đảm bảo việc cung cấp nước an toàn cho người dân, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Mạng lưới cấp nước phải đảm bảo an toàn và độ tin cậy về lưu lượng, áp lực và chất lượng nước theo yêu cầu sử dụng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng được yêu cầu chỉ đạo những đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư 41/2018 của Bộ Y tế và các quy định liên quan. Công tác kiểm tra cần đảm bảo đầy đủ các đối tượng giám sát, đặc biệt là các bể chứa nước tại các chung cư và khu vực chứa nước tập trung trên địa bàn quản lý.

UBND TP.HCM cũng giao các quận huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các đơn vị có liên quan hướng dẫn ban quản lý, ban quản trị chung cư ban hành quy trình súc xả bể chứa và chế độ kiểm tra chất lượng nước định kỳ. Trong trường hợp các chung cư không có Ban quản lý, Ban quản trị, thì Tổ tự quản của chung cư cần xây dựng phương án phân công nhân sự thực hiện quy trình súc xả bể chứa và tổ chức kiểm tra chất lượng nước định kỳ theo quy định.

Chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM nhằm thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-noi-lo-phat-sinh-benh-tat-khi-nuoc-sinh-hoat-cua-nhieu-chung-cu-khong-dat-chat-luong-8609.html