Lao động tự do gian nan mưu sinh, mong mỏi một cái Tết ấm no

Tết không chỉ là dịp đoàn viên mà còn là khoảng thời gian người lao động tự do dốc sức làm việc để kiếm thêm thu nhập. Họ chấp nhận vất vả hơn ngày thường, với mong muốn có một cái Tết ấm no và trọn vẹn bên gia đình.

Gắng làm hết sức để tự "thưởng Tết"

Ngày Tết là thời điểm đoàn viên, là kỳ nghỉ mà ai cũng mong chờ, đồng thời cũng là lúc nhu cầu chi tiêu, mua sắm và quà cáp cho gia đình tăng cao. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM, nơi tập trung nhiều lao động từ các tỉnh thành, Tết còn thêm gánh nặng chi phí vé máy bay, tàu xe để trở về quê.

Với những người làm việc tự do, khi không thể dựa vào các khoản thưởng cố định cuối năm, cách duy nhất để "tự thưởng Tết" là tăng cường làm việc trong những tháng cuối năm. Anh Nguyễn Thanh Duy (27 tuổi, TP. Thủ Đức, TP. HCM) - tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ, để tăng số dư tài khoản, anh vừa làm việc nhiều hơn vừa cắt giảm các chi tiêu cá nhân. Làm tự do đòi hỏi anh phải tự lo liệu mọi thứ, từ bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ đến khoản thưởng Tết.

lao-dong-tu-do-1-1734569865.jpg
Nhiều lao động tự do tất bật hơn dịp cận Tết để thêm một khoản chi tiêu dịp Tết

Trước đây, anh từng làm kế toán trong 5 năm. Đầu năm nay, anh quyết định nghỉ việc vì không muốn tiếp tục công việc văn phòng gò bó 8 tiếng mỗi ngày. Trong thời gian tìm kiếm công việc mới, anh làm cộng tác viên tư vấn tín dụng cho một ngân hàng, kết hợp chạy xe ôm công nghệ, môi giới bất động sản và tư vấn bảo hiểm để tăng thêm thu nhập.

Anh Duy cho hay, anh vẫn cố gắng làm các công việc liên quan đến chuyên môn, nhưng không bị ràng buộc thời gian. Tuy nhiên, sự tự do và thoải mái này cũng đồng nghĩa với việc Tết năm nay, lần đầu tiên anh không còn khoản thưởng lương tháng 13 từ công ty. Do đó, những ngày này, anh Duy càng bận rộn hơn, làm việc từ sáng sớm đến tối muộn. Sáng anh gặp khách hàng tư vấn bảo hiểm, trưa bật ứng dụng chạy xe công nghệ, chiều lại rong ruổi khắp các khu phố tìm mặt bằng giúp người quen chuẩn bị mở quán ăn.

Anh Duy bảo, anh vẫn thấy may mắn vì có sức khỏe để lao động. Nhìn những người xung quanh còn khó khăn hơn, anh lại có thêm động lực để cố gắng. Một cái Tết đủ đầy sẽ là món quà dành cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh.

Những ngày cận Tết luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm đối với chị Trần Thị Thu Giang (quận Bình Tân, TP. HCM) - một người nội trợ kiếm thêm thu nhập bằng bán đồ ăn vặt tại chung cư nơi mình sinh sống. Từ công việc phụ, chị dần quen buôn bán và kiếm được khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, chị phải làm việc gấp nhiều lần để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng.

Chị Giang cho hay, làm cả năm không dư, nhưng gần Tết đắt khách hơn vì mọi người đặt bánh, mứt nhiều. Dịp này, chị còn nhận dọn dẹp nhà cửa theo giờ để kiếm thêm. Hai tháng cuối năm, thu nhập có thể gấp ba lần ngày thường.

Chị Lê Thị Tuyết (quận Gò Vấp, TP. HCM) - kinh doanh online mặt hàng thời trang, cũng đang tăng cường làm việc trong những ngày này. Ngoài đăng bán trên các sàn thương mại điện tử, chị thường xuyên livestream trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.

Chị Tuyết chia sẻ, thời điểm cận Tết là lúc nhu cầu mua sắm tăng cao, chị gần như làm việc liên tục để vừa bán hàng, vừa xử lý đơn. Có năm, tối 30 Tết, chị vẫn phải tự đi giao hàng.

lao-dong-tu-do-1734569865.jpg
 Lao động tự do gian nan mưu sinh, mong một cái Tết Âm lịch ấm no và đầy đủ

Vất vả để mong Tết ấm no

Đối mặt với áp lực tài chính, những lao động tự do chấp nhận từ bỏ nhiều niềm vui cá nhân để có thêm thu nhập. Với bà Nguyễn Thị Mai (quê Nam Định) - người thu gom ve chai tại Hà Nội, Tết Dương lịch là cơ hội để bà làm việc nhiều hơn, gom thêm tiền gửi về quê.

Bà Mai cho biết, công việc của bà bắt đầu từ sáng sớm và chỉ kết thúc khi trời đã tối muộn. Hàng ngày, bà rong ruổi qua nhiều con phố lớn nhỏ của Hà Nội để kiếm sống, bất kể thời tiết mưa hay nắng. Dịp cuối năm, công việc càng vất vả hơn, nhưng bà vẫn cố gắng dành dụm từng đồng gửi về quê, hy vọng gia đình sẽ có một cái Tết Âm lịch ấm no và đầy đủ.

Chỉ cần nghỉ vài ngày là mất thu nhập, nên bà cố gắng làm được thêm chút nào hay chút đó. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng so với nhiều hoàn cảnh khác còn chật vật hơn, bà vẫn thấy mình may mắn vì có sức khỏe để lao động và có một gia đình với các con ngoan ngoãn. Dù không thể về quê trong dịp Tết Dương lịch, nhưng bà sẽ gọi điện về trò chuyện cùng các con. Đó là thói quen hầu như ngày nào cũng làm khi rảnh, và cũng là cách để nhắc nhở bản thân cố gắng hơn nữa, vì tương lai của các con.

Tương tự, anh Nguyễn Anh Tú (quê Phú Thọ) - một người thợ thông cống, cũng miệt mài làm việc từ sáng sớm cho đến tận khuya. Công việc của anh thường bắt đầu lúc 7 giờ sáng và chỉ kết thúc khi kim đồng hồ đã chỉ 10 giờ đêm. Càng gần Tết, lịch làm việc của anh Tú càng dày đặc hơn. Nhiều hôm, anh không kịp ăn trưa hay nghỉ ngơi vì liên tục nhận các cuộc gọi từ khách hàng.

Anh Tú cho hay, dịp cuối năm là thời điểm nhiều gia đình tổng vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị đón Tết. Người dân thường tranh thủ thuê thợ kiểm tra, sửa chữa hệ thống thoát nước, xử lý tình trạng nghẹt cống tồn đọng lâu ngày. Điều này khiến nhu cầu thuê thợ thông cống tăng cao vào những tháng cận Tết.

Khi được hỏi về kế hoạch cho Tết Dương lịch, anh Tú cười bảo, với anh, đó cũng như một ngày làm việc bình thường. Nghề này tuy vất vả, bẩn và không phải ai cũng sẵn sàng làm, nhưng anh lại trân trọng nó. Khi thấy khách hàng hài lòng, mọi mệt mỏi cũng tan biến. Anh dự định làm việc đến ngày 28 tháng Chạp rồi mới về quê. Anh chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, lo cho gia đình và đón một cái Tết trọn vẹn.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lao-dong-tu-do-gian-nan-muu-sinh-mong-moi-mot-cai-tet-am-no-8627.html