Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học: Mối quan tâm mới của phụ huynh Việt

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ, sự xuất hiện của cụm từ "kỹ năng sống cho học sinh tiểu học", phản ánh sự thay đổi trong nhận thức về giáo dục. Các bậc phụ huynh và nhà trường dần nhận thức rõ ràng rằng ngoài việc học văn hóa, học sinh cần phải được trang bị những kỹ năng quan trọng để đối mặt với các thử thách trong cuộc sống

Lên xu hướng tìm kiếm của năm

Google vừa công bố Danh sách "Google Year In Search 2024", trong đó một trong những chủ đề mới nổi bật là "kỹ năng". Sự gia tăng tìm kiếm về các kỹ năng mềm như "kỹ năng đàm phán trong kinh doanh" hay "kỹ năng lãnh đạo quản lý" cho thấy người Việt ngày càng chú trọng đến việc trang bị và nâng cao các kỹ năng cá nhân.

Đặc biệt, sự xuất hiện của cụm từ "Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" ở vị trí thứ hai trong danh sách phản ánh sự thay đổi nhận thức trong xã hội về tầm quan trọng của giáo dục toàn diện cho trẻ em.

ky-nang-song-1734583216.jpg
Từ khóa "Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" thành xu hướng tìm kiếm trong năm 2024

Chị Trần Thúy Lan Anh (quận 10, TP. HCM) cho biết, chị đã lên mạng tìm kiếm thông tin về "kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" để hỗ trợ con trai 7 tuổi của mình. Mặc dù bé rất thích đi học và học hỏi nhanh, chị vẫn lo lắng khi thấy con gặp khó khăn trong việc làm quen với bạn bè mới. Bé thường tỏ ra rụt rè và không biết cách thể hiện cảm xúc, đặc biệt là khi có mâu thuẫn với bạn trong lớp.

Chị Lan Anh tâm sự, dù bé rất thông minh nhưng chị nhận thấy con chưa có khả năng giao tiếp tốt, dễ bị buồn và tủi thân khi có xích mích với bạn. Vì vậy, chị đã tìm hiểu về các kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột để có thể dạy cho con. Chị còn tham gia các khóa học trực tuyến và tìm các bài viết, video về kỹ năng sống để giúp con cải thiện sự tự tin.

Chị Lan Anh cho rằng, ngoài việc dạy con kiến thức, thì kỹ năng sống cũng là yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ, giúp con không chỉ học giỏi mà còn biết cách tương tác và ứng phó với các tình huống xã hội.

Chị Trần Mai Hoa - phụ huynh ở huyện Bình Chánh (TP. HCM) chia sẻ, con gái 6 tuổi của chị vừa bắt đầu vào lớp 1. Việc chuyển đến một môi trường học mới khiến chị không khỏi lo lắng. Bên cạnh việc trò chuyện và quan tâm con mỗi ngày, chị Hoa đã lên mạng tìm hiểu về "kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" để giúp con thích nghi tốt hơn.

Chị Hoa lo ngại nhất là con gái sẽ bị cô lập, ít giao tiếp với bạn bè trong lớp, do sở thích xem tivi và chơi điện thoại. Ở nhà, chị đã hạn chế cho con xem điện thoại và tivi, nhưng bé vẫn ít nói chuyện. Vì vậy, chị tìm đọc thêm để xem có phương pháp nào giúp con cải thiện không.

Cùng tâm trạng đó, chị Ngọc Thương (quận Bình Tân, TP. HCM) cũng tìm kiếm thông tin về kỹ năng sống cho con trai học lớp 3. Mặc dù con khỏe mạnh và năng động, nhưng chị lo ngại vì bé vẫn chưa biết cách giữ bình tĩnh khi gặp khó khăn. Chị còn cho con tham gia trực tiếp các khóa học kỹ năng sống.

Thay đổi trong nhận thức về giáo dục

Trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - thành viên Ban tư vấn chính sách, pháp luật cho thanh thiếu nhi của Trung ương Đoàn chia sẻ, sự xuất hiện của cụm từ "kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" ở Việt Nam năm 2024, phản ánh sự thay đổi trong nhận thức về giáo dục, đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học.

Ông cho rằng, có một số yếu tố chính dẫn đến sự thay đổi này. Theo đó, xu hướng thay đổi trong định hướng giáo dục là nguyên nhân quan trọng. Giáo dục hiện nay không chỉ tập trung vào kiến thức học thuật mà còn chú trọng đến sự phát triển toàn diện của học sinh, bao gồm cả kỹ năng sống.

Các bậc phụ huynh và nhà trường dần nhận thức rõ ràng rằng ngoài việc học văn hóa, học sinh cần phải được trang bị những kỹ năng quan trọng để đối mặt với các thử thách trong cuộc sống như giao tiếp, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề và ra quyết định. Điều này giúp học sinh phát triển cả về trí tuệ lẫn tinh thần và xã hội.

ky-nang-song-1-1734583216.jpg
Ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm đến việc dạy kỹ năng sống cho con

Ở Việt Nam, ngày càng nhiều phụ huynh và giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho học sinh từ khi còn nhỏ. Những kỹ năng này không chỉ giúp trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai, mà còn rất cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và thay đổi nhanh chóng.

Theo tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh tiểu học hiện đang trở thành một phần quan trọng trong các cải cách giáo dục tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, không chỉ trong các môn học chính thức mà còn qua các hoạt động ngoại khóa và chương trình học bổ trợ.

Với sự thay đổi của xã hội và môi trường, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội, trẻ em ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực và thử thách mà trước đây ít gặp phải. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng sống cho các em sẽ giúp các em tự tin hơn, có khả năng đối phó với những tình huống trong cuộc sống, đồng thời bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất.

Mặc dù hiện nay các trường học ở Việt Nam đã dần chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh tiểu học, tiến sĩ Hòa An cũng cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai hiệu quả chương trình này, như thiếu nguồn lực, thiếu giáo viên được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng sống và thiếu một chương trình chuẩn hóa thống nhất.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hương Trà - Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, hiện nay có nhiều trung tâm huấn luyện mở các khóa học kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn, giúp trẻ em trải nghiệm ở nhiều cấp độ khác nhau.

Việc trang bị kỹ năng mềm bao gồm kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm và tự bảo vệ bản thân, cho trẻ dưới 15 tuổi là rất cần thiết. Nhiều trường học cũng đã lồng ghép các kỹ năng này vào các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hoặc qua các khóa học bổ sung ngoài giờ học chính khóa, đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè.

Tuy nhiên, để trẻ có thể ghi nhớ và xử lý tốt các tình huống thực tế, việc dạy kỹ năng sống cần được thực hiện thường xuyên và lặp lại liên tục. Sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là rất quan trọng và cần phải hiệu quả.

Bên cạnh gia đình, trường học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dạy kỹ năng sinh tồn ngay từ những buổi học đầu tiên. Việc rèn luyện và thực hành sớm giúp trẻ tự bảo vệ mình trong một xã hội đầy rẫy nguy hiểm. Thậm chí, nhiều phụ huynh đánh giá rất cao việc dạy kỹ năng mềm cho trẻ ngay từ mầm non, vì họ thường bận rộn và không có nhiều thời gian để dạy con một cách bài bản tại nhà. Có nhiều kỹ năng sinh tồn cần thiết trong cuộc sống, nhưng một số kỹ năng cần được học càng sớm càng tốt như giữ an toàn khi bị lạc, ở nhà một mình, bơi lội và phản ứng trong các tình huống khẩn cấp.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ky-nang-song-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-moi-quan-tam-moi-cua-phu-huynh-viet-8631.html