Đốt quán vì mâu thuẫn với nhân viên
Vào rạng sáng ngày 19/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Giết người" và khởi tố bị can đối với C.V.H. (SN 1973, trú huyện Đông Anh, Hà Nội) để điều tra hành vi đốt quán cà phê "Hát cho nhau nghe" khiến 11 người tử vong.
Trước đó, vào lúc 23h03 ngày 18/12, Tổng đài 114 đã nhận được tin báo cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, nơi có nhiều người mắc kẹt trong đám cháy. Ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cùng công an các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ đã được điều động tới hiện trường, phối hợp cùng chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ.
Sau khoảng 40 phút, đám cháy đã được khống chế. Lực lượng chức năng đã đưa 7 người ra ngoài, trong đó 5 người sức khỏe ổn định và 2 người được đưa đi cấp cứu, đồng thời phát hiện 11 người đã tử vong trong quán.
Qua quá trình xác minh ban đầu, lực lượng công an nghi ngờ quán cà phê đã bị phóng hỏa nên ngay lập tức tiến hành truy tìm đối tượng gây án. Đến khoảng 0h ngày 19/12, Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ đối tượng C.V.H.
Tại cơ quan công an, C.V.H. khai đã đến quán uống bia và xảy ra mâu thuẫn với nhân viên quán. Quá tức giận, C.V.H. đã mua xăng, đổ vào khu vực tầng 1 của quán, nơi có nhiều xe máy, rồi châm lửa đốt. Sau khi thấy ngọn lửa bùng lên, C.V.H. đã bỏ đi.
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đồng thời xác minh danh tính các nạn nhân.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 136/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
UBND TP. Hà Nội được yêu cầu chỉ đạo thăm hỏi và hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần đối với các gia đình nạn nhân, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ các nạn nhân bị thương trong vụ cháy. Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo điều kiện tốt nhất để cứu chữa các nạn nhân bị thương.
Đặc biệt, trong công điện Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình nhà ở nhiều tầng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và chấn chỉnh việc chấp hành các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, công trình, địa điểm tập trung đông người trong dịp lễ, Tết sắp tới.
Có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, đặc biệt là những hộ kết hợp sản xuất, kinh doanh, tự trang bị và lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa các sự cố, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do các sự cố này gây ra.
Công tác phòng cháy chữa cháy vẫn bị lơ là
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý, tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy sau khi nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây chết người xảy ra. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở kinh doanh vẫn còn thờ ơ, chủ quan trong công tác này. Thậm chí, có chủ cơ sở còn “làm cho có” nhằm qua được khâu kiểm tra của cơ quan chức năng.
Như trong vụ hỏa hoạn trên, anh Lê Văn Thương - thành viên Đội Cứu hộ FAS Angel, người trực tiếp tham gia hỗ trợ cứu nạn cho biết, hiện trường là một căn nhà ống 4 tầng. Đám cháy bùng lên rất dữ dội vì có nhiều xe máy. Chỉ có một lối thoát duy nhất ở mặt tiền tầng 1 và ban công các tầng, nhưng tất cả đều đã bị ngọn lửa bao phủ. Các nạn nhân không còn lối thoát nào khác.
Ngôi nhà có một bên hông giáp với căn nhà khác, còn một bên là khoảng đất trống nhưng lại không có lối thoát. Việc thoát hiểm chỉ có thể thực hiện bằng cách đập tường, nhưng trong tình thế đó, điều này là hoàn toàn không thể. Dù đã từng tham gia cứu hộ và sơ cứu cho các nạn nhân trong nhiều vụ cháy trước đó, nhưng cảnh tượng tại hiện trường vụ cháy lần này vẫn khiến anh không thể quên.
Thực tế ghi nhận, từng có nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại các cơ sở kinh doanh quán cà phê, karaoke. Như vào năm 2022, quán karaoke số 231 phố Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra cháy lớn. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ dập tắt đám cháy và cứu hộ người gặp nạn, 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh. Trước đó, vụ cháy xảy ra ở quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) vào cuối năm 2016 từng gây xôn xao dư luận khi làm 13 người thiệt mạng.
Những vụ việc này cho thấy việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là sự nhận thức và hành động đúng đắn của mỗi chủ cơ sở kinh doanh. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, bên cạnh các giải pháp phòng ngừa, cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm an toàn cháy nổ, đồng thời tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể để mọi người, đặc biệt là chủ các cơ sở kinh doanh, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này. Chỉ khi nào mọi người thực sự coi trọng vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, những thảm họa tương tự mới có thể được ngăn chặn.
Du Vũ