Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay, có 362 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 342.716 tỷ đồng và 21 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 32.114 tỷ đồng. Trong tháng cuối năm 2024, VBMA ước tính tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đạt hơn 42.000 tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm phần lớn với 14.502 tỷ đồng, tương đương 34%.
Nhà đầu tư không có lựa chọn
Trước đó, VNDirect cũng đưa ra ước tính, trong tháng 12/2024, sẽ có hơn 38.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp hơn hai lần so với tháng trước. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn dự kiến giảm đáng kể trong những tháng đầu năm 2025.
Cùng với đó, hoạt động đàm phán điều chỉnh điều khoản trái phiếu giữa tổ chức phát hành và trái chủ tiếp tục diễn ra. Tính đến ngày 2/12, đã có hơn 100 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận gia hạn với trái chủ, với tổng giá trị trái phiếu được gia hạn khoảng 160.000 tỷ đồng.
Tương tự, báo cáo mới đây của VIS Rating cũng cho biết, trong số 51 trái phiếu đáo hạn tháng 12, có 15 trái phiếu được đánh giá có nguy cơ chậm trả gốc. Hơn nữa, phần lớn các trái phiếu này đã chậm trả lãi trước đó. Chuyên gia của VIS Rating nhận định, tỷ lệ trái phiếu đáo hạn tháng 12/2024 có nguy cơ chậm trả gốc là 30%, cao hơn mức 20% trong 11 tháng đầu năm 2024.
VIS Rating dự báo, trong vòng 12 tháng tới, ngành bất động sản nhà ở sẽ đối mặt với khoảng 105.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trên thị trường. Đáng lo ngại, khoảng 21.000 tỷ đồng trong số này có nguy cơ chậm trả nợ gốc.
Cụ thể, trong tháng 11/2024, một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, đã công bố chậm trả trái phiếu với tổng giá trị gốc 421 tỷ đồng. Theo VIS Rating, tổ chức này đã không thanh toán nợ gốc đúng hạn vào ngày 5/11/2024. Sau đó, trái chủ VNDirect – đơn vị sở hữu 100% trái phiếu, đã chấp thuận gia hạn thời gian thanh toán đến ngày 30/11/2024. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức về việc thanh toán.
Điều đáng chú ý, trái phiếu này được đảm bảo bằng 78,2 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này. Đặc biệt, VNDirect không chỉ là trái chủ mà còn đóng vai trò tư vấn, bảo lãnh phát hành và đại diện cho các trái chủ khác.
Tuy nhiên, VIS Rating nhận định, tài sản đảm bảo này có tính thanh khoản thấp, vì cổ phiếu thuộc công ty chưa niêm yết. Thêm vào đó, với hồ sơ tín nhiệm yếu, dòng tiền hoạt động âm, đòn bẩy tài chính cao và nguồn tiền mặt hạn chế, công ty này tiếp tục đối mặt nguy cơ chậm trả cả gốc và lãi trong tương lai.
Báo cáo tài chính công bố cũng cho thấy tình hình kinh doanh của tổ chức phát hành này đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty lỗ 76 tỷ đồng, và con số này ở cùng kỳ năm 2023 là 136 tỷ đồng. Những kết quả này càng làm gia tăng mối lo ngại về khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Quá trình pháp lý đẩy trái chủ vào thế khó
Theo ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc Khối phân tích và xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản nhà ở vẫn ở mức yếu, và sự phân hóa về khả năng trả nợ giữa các doanh nghiệp ngày càng rõ rệt.
Các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở thực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, đang có dấu hiệu phục hồi tích cực nhờ hoạt động bán hàng khả quan trong năm 2024. Những doanh nghiệp này được đánh giá có nguồn lực tốt hơn và khả năng trả nợ cao hơn.Ngược lại, các doanh nghiệp bất động sản trước đây tập trung vào các dự án mang tính đầu cơ cao vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Do nhu cầu ở phân khúc này còn thấp, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này tiếp tục duy trì ở mức yếu.
Đáng chú ý, khoảng 2/3 số chủ đầu tư niêm yết trên sàn chứng khoán có dòng tiền trả nợ rất yếu, với dòng tiền hoạt động dưới 5% tổng nợ. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với những chủ đầu tư bị ảnh hưởng bởi các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án. Do đó, khoảng 50% số trái phiếu đáo hạn của các chủ đầu tư vào cuối năm 2024 và năm 2025 sẽ có nguy cơ chậm trả cả gốc lẫn lãi. Phần lớn các doanh nghiệp này là những đơn vị đã có tiền sử chậm thanh toán.
Trong khi đó, số trường hợp trái chủ thu hồi được khoản đầu tư thông qua thanh lý tài sản thế chấp là rất ít. Nguyên nhân chính là do quá trình pháp lý để thanh lý tài sản và thực hiện trả nợ thường kéo dài, gây nhiều khó khăn cho các bên liên quan.
Thực tế, hầu hết trái chủ của các trái phiếu có tài sản đảm bảo bị chậm trả trong giai đoạn 2022-2024 đã chọn tái cơ cấu nợ bằng cách gia hạn thanh toán, thay vì thanh lý tài sản đảm bảo, chủ yếu là cổ phiếu và bất động sản. Do đó, trái chủ cần cẩn trọng đánh giá tính hợp pháp, tính thanh khoản và giá trị của tài sản thế chấp khi trái phiếu bị chậm trả, đồng thời xác định liệu tài sản này có đáp ứng được vai trò bảo đảm tín dụng như mong đợi hay không.
Theo ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua khủng hoảng nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc khôi phục và củng cố niềm tin của nhà đầu tư là "chìa khóa" quan trọng để thị trường trái phiếu tiếp tục đóng vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu vốn lớn của nền kinh tế.
Theo ông Minh, có ba yếu tố chính để lấy lại niềm tin nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu. Thứ nhất, các cơ quan quản lý đang xử lý dứt điểm các vụ việc tiêu cực, từ đó từng bước khôi phục lòng tin của nhà đầu tư. Thứ hai, niềm tin này còn phụ thuộc lớn vào chính các tổ chức phát hành, thông qua việc xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, quản trị tốt và giữ vững chữ tín bằng cách trả nợ đúng hạn, đầy đủ như cam kết. Thứ ba, các đơn vị tư vấn cần cung cấp thông tin rõ ràng, giúp nhà đầu tư hiểu rõ về mức độ rủi ro và lợi nhuận của từng loại trái phiếu, từ đó lựa chọn phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/rat-it-nha-dau-tu-trai-phieu-thu-hoi-duoc-von-tu-thanh-ly-tai-san-the-chap-8645.html