Hé lộ quỹ đất lớn duy nhất còn sót lại ở Hà Nội rộng bằng 8 quận nội thành

Đó là quỹ đất rộng đến 11.000 ha, trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc Đồ án phân khu đô thị sông Hồng.

Cuối tháng 3/2022 Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000. Theo đó, đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Phân khu quy hoạch chung đô thị sông Hồng có diện tích gần 11.000 ha, rộng bằng tổng diện tích 8 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm cộng lại. Trong đó, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400 ha (50%).

Phần diện tích còn lại của phân khu quy hoạch chung đô thị sông Hồng là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Tráng Việt, Văn Khê; các khu phố ngoài đê, các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật… Bản đồ vị trí các bãi sông Hồng trong khu vực quy hoạch.

Cuối tháng 3/2022 Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000.

Phân khu đô thị sông Hồng được định hướng chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, đây được cho là cơ hội để Hà Nội tận dụng quỹ đất lớn có giá trị cao để Thành phố tạo dựng không gian xanh, công cộng một cách chủ động.

Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000.

Thực tế từ năm 1994, việc quy hoạch hai bờ sông Hồng đã được đề cập nhiều lần, cũng đã có nhiều đề án liên được nghiên cứu, đề xuất nhưng chưa thành hiện thực. Cũng sau nhiều năm, kể từ khi lãnh đạo Hà Nội bắt đầu tính đến quy hoạch phân khu đô thị dọc hai bờ sông Hồng, Thành phố đã hoàn thiện đồ án chi tiết và được phê duyệt vào cuối tháng 3/2022.

Được biết, việc lập đề án hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đề án kỳ vọng sẽ giúp Thành phố khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.

 

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/he-lo-quy-dat-lon-duy-nhat-con-sot-lai-o-ha-noi-rong-bang-8-quan-noi-thanh-865.html