Cùng với sự tăng mạnh của giá bất động sản trong năm 2024, đất đấu giá tại Hà Nội cũng thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư. Các phiên đấu giá diễn ra đến tận khuya, với mức trúng cao ngất ngưởng, bán "sang tay" chênh lệch hàng trăm triệu đồng ngay sau đó... là thực trạng phổ biến trong thời gian gần đây.
Từ đấu giá xuyên đêm đến trả gấp 12.000 lần để “phá bĩnh”
Một trong những phiên đấu giá đáng chú ý là liên quan đến 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) ngày 10/8. Phiên đấu giá này thu hút hơn 1.500 người tham dự với hơn 4.200 hồ sơ đăng ký, mức giá trúng dao động từ 51 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m², cao gấp 6-8 lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, có tới 55 trường hợp bỏ cọc, chiếm 80% số người trúng.
Một kỷ lục khác được thiết lập tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nơi một phiên đấu giá kéo dài gần 19 tiếng đồng hồ. Mức giá trúng cao nhất đạt 133,3 triệu đồng/m², gấp 30 lần giá khởi điểm, và thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m², gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Tại quận Hà Đông, phiên đấu giá 27 lô đất ngày 19/10 ghi nhận giá trúng cao nhất hơn 262 triệu đồng/m², gấp 8 lần giá khởi điểm, trong khi giá trúng thấp nhất cũng gần 133 triệu đồng/m². Phiên đấu kết thúc sau 15 giờ gay cấn.
Cuộc đấu giá 58 thửa đất tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vào ngày 29/11 đã gây sốc khi mức giá trả vượt qua 30 tỷ đồng/m², gấp 12.000 lần giá khởi điểm rồi bỏ cuộc gây rúng động thị trường bất động sản. Cùng thời điểm, tại huyện Thanh Oai, phiên đấu giá 22 lô đất ở thôn Văn Quán, xã Đỗ Động vào cuối tháng 11/2024 cũng thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, đến vòng đấu giá thứ 8, khi mức giá trả cao nhất dao động từ 70,3 đến 80,3 triệu đồng/m², khách hàng đồng loạt bỏ cuộc, không tiếp tục trả giá, dẫn đến việc các lô đất không được đấu giá thành công.
Bên cạnh những phiên đấu giá "nóng bỏng" này, Hà Nội còn ghi nhận nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất với số tiền thu về lên tới hàng trăm tỷ đồng. Các khu vực như Phúc Thọ, Thạch Thất, Mê Linh, Phú Xuyên... đều có mức giá trúng cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.
Nhiều chỉ đạo “nóng” về đấu giá đất
Trước những hiện tượng bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 134 yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý và tổ chức đấu giá đất. Các biện pháp gồm rà soát giá khởi điểm, rút ngắn thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi. Đồng thời, các tỉnh thành được chỉ đạo ứng dụng công nghệ số, đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong công tác đấu giá.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị đánh giá hiệu quả của các phiên đấu giá, tránh tổ chức tại những khu vực có giá khởi điểm thấp, không đủ bù đắp chi phí. Những khu vực như vậy có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ tái định cư hoặc xây dựng công trình công cộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trong đó, chỉ đạo “nóng nhất” phải kể đến việc khởi tố vụ án và bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản trong vụ “cú chốt giá” 30 tỷ đồng/m². Theo lời khai, trước khi diễn ra phiên đấu giá, các đối tượng đã thỏa thuận với nhau về mức giá khởi điểm, dự tính chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m², để có thể bán chênh lệch.
Họ đã thống nhất kế hoạch khống chế kết quả đấu giá thông qua việc tham gia vào 6 vòng đấu bắt buộc. Kết quả, 36/58 lô đất đã bị các đối tượng này thông đồng, nâng giá lên gần 100 triệu đồng/m² rồi bỏ giữa chừng. Đặc biệt, Phạm Ngọc Tuấn đã đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m², cao gấp 12.000 lần mức giá khởi điểm, dẫn đến phiên đấu giá không thành công. Căn cứ vào tài liệu và chứng cứ thu thập được, các đối tượng này đã bị xác định có hành vi thông đồng nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Số tiền "khủng" nhà đầu tư chi ra để đấu giá đất tại Hà Nội
Cùng với các phiên đấu giá đất đạt kỷ lục trong những tháng cuối năm 2024, số tiền mà nhà đầu tư chi ra để tham gia các phiên đấu giá này cũng đã thiết lập một kỷ lục mới. Theo báo cáo gửi Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài nguyên và môi trường, UBND TP Hà Nội cho biết đã thu được 18.599 tỷ đồng từ đấu giá đất trong 11 tháng. Số tiền này tương đương 74,08% kế hoạch đề ra cho năm nay.
UBND TP Hà Nội cũng dự báo, mục tiêu thu đạt 25.105 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm, gấp đôi so với các năm trước (trung bình khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm).
Giới đầu tư đánh giá rằng trong thời gian tới, thị trường đấu giá đất tại Hà Nội sẽ tiếp tục “nóng” khi thành phố tiếp tục giao đất tại các huyện vùng ven như Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai… để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã quyết định giao 24.158,71 m² (2,4 ha) đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, cho UBND huyện Đan Phượng để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Đồng Sậy, giai đoạn 4, 5, 6.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã giao 19.727,5 m² đất tại xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, cho UBND huyện Thường Tín để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Thụy Hòa 2, xã Hà Hồi.
Vào đầu tháng 12, UBND TP Hà Nội cũng quyết định giao gần 30.500 m² đất tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, cho UBND huyện Thanh Oai để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Cưng Trong, thôn Đại Định, xã Tam Hưng.
Đầu cơ gây "hỗn loạn" đấu giá đất
Ông Phạm Đức Toản, chuyên gia bất động sản cho rằng, "hỗn loạn" là hai từ mô tả chính xác các phiên đấu giá đất tại Hà Nội trong năm qua. Các mức giá trúng cao chưa từng có khiến ngay cả những đơn vị tổ chức cũng không thể tưởng tượng được. Người tham gia đấu giá chủ yếu là các đội nhóm đầu cơ, rất ít người dân có nhu cầu thực sự.
"Những năm qua xuất hiện một nghề mới: "nghề đấu giá đất". Những người này thường tập hợp thành nhóm và tham gia đấu giá ở nhiều tỉnh, không chỉ riêng Hà Nội. Họ đăng ký đấu giá tất cả các lô đất trong phiên và nếu trúng, sẽ bán ngay để kiếm lời. Họ tham gia như một kiểu đánh bạc, với số tiền cọc ít ỏi nếu không bán được," ông Toản chia sẻ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đề xuất, việc đặt cọc từ 10-20% là hợp lý vì mức cọc cao giúp hạn chế tình trạng bỏ cọc, gây nhiễu loạn và ảnh hưởng đến kết quả đấu giá. Tuy nhiên, thực tế do giá khởi điểm quá thấp so với giá trị thực tế của đất, mức cọc chỉ đạt 3-5%, thậm chí có trường hợp chỉ 1%. Điều này dẫn đến tình trạng bỏ cọc vì nhiều lý do, có thể là tính toán sai hoặc câu kết đẩy giá.
"Nếu giá cọc chiếm từ 10-20% giá trị thực tế của các lô đất, sẽ không xảy ra tình trạng này," luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Tương tự, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cảnh báo việc đẩy giá đất trong đấu giá sẽ làm thị trường bất động sản mất ổn định. Nếu một số người tiếp tục đẩy giá lên cao, thị trường bất động sản sẽ không phục vụ được đại đa số người dân, mà sẽ thiên về các cuộc làm ăn, tạo ra những bất thường. Bất động sản lúc đó chỉ dành cho những người có nhiều tiền, khiến thị trường mất đi tính công bằng.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhung-ky-luc-ve-dau-gia-dat-trong-nam-2024-8709.html