Mang theo danh sách hành khách
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 158/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo nghị định, các xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu "Xe hợp đồng" dán cố định tại góc trên bên phải, ngay phía dưới tem kiểm định phía trước của xe.
Hợp đồng vận tải bằng văn bản phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.
Trường hợp đơn vị vận tải sử dụng ô tô có từ 8 chỗ ngồi trở lên (không tính ghế lái xe) hoặc ô tô có thiết kế hoặc cải tạo với số chỗ ít hơn 8 nhưng từ một xe có hơn 8 chỗ, cần phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê dịch vụ, bao gồm cả việc thuê chuyến xe và người lái xe.
Nghị định còn quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe ngoài hợp đồng đã ký kết; không được bán vé; không được thu tiền ngoài hợp đồng đã ký kết; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Lái xe chỉ được đón và trả khách theo đúng địa điểm quy định trong hợp đồng, không được gom khách hoặc đón khách ngoài danh sách đã đính kèm hợp đồng. Xe không được đón, trả khách tại trụ sở chính, văn phòng chi nhánh, hay các địa điểm cố định khác của đơn vị vận tải trên các tuyến đường phố.
Ngoại trừ các tình huống cấp cứu, phục vụ nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, địch họa theo yêu cầu của cơ quan chức năng, xe vận tải hành khách theo hợp đồng không được phép đón, trả khách ngoài các địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Một chuyên gia giao thông cho rằng, nghị định này nhằm siết chặt việc quản lý các loại "xe hợp đồng trá hình" (xe biển vàng kinh doanh vận tải hành khách nhưng đón trả khách lẻ tại nhiều địa điểm khác nhau), hiện đang rất phổ biến. Những chiếc xe Limousine trên 8 chỗ vận chuyển hành khách liên tỉnh lâu nay sẽ bị xử phạt nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện vi phạm các quy định này.
Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định rõ, khi vận chuyển hành khách, ngoài các giấy tờ theo yêu cầu tại khoản 1 Điều 56 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lái xe còn phải tuân thủ các quy định sau: Mang theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử).
Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử). Nếu sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập vào nội dung hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
Lái xe không cần áp dụng các quy định trên trong trường hợp thực hiện hợp đồng vận tải phục vụ đám tang hoặc đám cưới.
Điều đáng chú ý, nghị định yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải lưu trữ hợp đồng vận chuyển cùng danh sách hành khách trong tối thiểu 3 năm.
Siết chặt quản lý có ngăn được xe hợp đồng trá hình
Hiện nay, xe hợp đồng dưới 8 chỗ chủ yếu phục vụ khách có điểm đi và điểm đến khác nhau, không trùng lặp trong cùng một địa phương và không tính tiền theo bản đồ hay lộ trình với thời gian tối đa hoặc tối thiểu. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc cho phép xe hợp đồng dưới 8 chỗ (không tính ghế lái xe) gom khách lẻ có thể tạo kẽ hở để các "xe hợp đồng trá hình" lợi dụng, lách luật, đón trả khách trên các tuyến phố, gây ách tắc giao thông đô thị và cạnh tranh không công bằng với xe khách tuyến cố định về tính linh hoạt, chủ động trong việc đón, trả khách tại các điểm.
Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ Gia thông Vận tải), nhiều người đang cho rằng xe hợp đồng Limousine từ 16 chỗ ngồi nếu cải tạo xuống dưới 8 chỗ (bao gồm ghế lái xe) sẽ không cần ký hợp đồng cho cả chuyến xe và có thể gom khách lẻ. Tuy nhiên, cách hiểu này là không chính xác.
Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã quy định rõ loại xe này không được phép hoạt động như taxi và quy định đầy đủ các điều kiện kinh doanh đối với xe hợp đồng. Xe dưới 8 chỗ hiện đang được coi là taxi, vì vậy việc quản lý đối tượng này cần tuân thủ các quy định tương tự như tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Lãnh đạo Vụ Vận tải cho hay, một vấn đề hiện đang gây bức xúc là các xe cá nhân dưới 8 chỗ biển trắng chở khách trái phép. Theo Luật Đường bộ 2024, việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép là bị cấm. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm trên đường.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan góp ý, để tạo sân chơi công bằng với xe khách tuyến cố định, cần giám sát chặt chẽ các xe tham gia vận tải phải đăng ký và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để mọi di chuyển có thể được kiểm soát. Hiện nay, lực lượng chức năng cũng đang tích cực kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô để có thể trích xuất thông tin và xử phạt kịp thời khi phát hiện vi phạm.
Đồng thời, cũng cần phải quy định rõ thời gian đón, trả khách tại các tuyến đường và khu vực nhất định đối với xe hợp đồng dưới 8 chỗ được phép gom khách lẻ, tránh tình trạng tràn lan. Ngoài ra, cần xem xét các loại phí bến bãi khi đón, trả khách tại những điểm quy định sẵn để tạo ra sân chơi bình đẳng với xe khách tuyến cố định.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/siet-chat-quan-ly-gom-don-khach-le-se-xoa-so-duoc-xe-hop-dong-tra-hinh-8746.html