Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đối mặt nguy cơ “đường chờ cầu”

Đường song hành Vành đai 4 đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành năm 2025, nhưng đến nay, ba cây cầu gồm Mễ Sở, Hồng Hà và Hoài Thượng vẫn chưa khởi công, nhiều khả năng “đường xong mà cầu chưa thấy”.

vanh-dai-4-1-1735110491.jpg
Khu vực xây dựng cầu Mễ Sở. Ảnh: Hữu Chánh

Chưa có tín hiệu thi công cầu

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng chiều dài gần 113km, đi qua 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội (58km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (36,2km). Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó, Hà Nội thực hiện với 3 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. Vành đai 4 vùng Thủ đô có 3 cầu lớn, gồm cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà qua sông Hồng và cầu Hoài Thượng qua sông Đuống.

Cầu Mễ Sở cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) khoảng 600m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500kV. Sau khi hình thành, cầu Mễ Sở sẽ mở ra hướng đi mới cho phương tiện từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang và ngược lại thay vì đi hướng cầu Thanh Trì như trước đây.

Cầu Hồng Hà giao cắt với đường Hồng Hà, đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh).

Nằm trên trục đường Vành đai 4 vùng Thủ đô còn có cầu Hoài Thượng bắc qua sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh.

UBND TP Hà Nội cho biết, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ trước ngày 31.12.2024; một số trường hợp khó khăn hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Thành phố cũng phấn đấu hoàn thành dự án song hành vào quý IV/2025.

Thế nhưng, theo ghi nhận của Lao Động, hiện vẫn có hơn 100 hộ dân ở thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê, Mê Linh nằm trong chỉ giới xây dựng cầu Hồng Hà vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Tương tự, phía Đan Phượng, nhiều hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng để thi công cầu Hồng Hà chưa di dời.

Trong khi đó, cầu Mễ Sở phía Thường Tín (Hà Nội) đã có mặt bằng sạch, còn phía Văn Giang (Hưng Yên) chưa được giải phóng mặt bằng và hiện chưa có tín hiệu gì về việc thi công cầu Mễ Sở tại khu vực này. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại về việc đường song hành xây xong nhưng lại phải “chờ cầu”.

Trao đổi với Lao Động, đại diện một nhà thầu đang thi công đường song hành dự án Vành đai 4 cho biết: Trong trường hợp đường song hành xong mà cầu chưa xong, giao thông chưa thông thì cũng không mang lại lợi ích cho người dân cũng như hiệu quả về kinh tế.

6-vanh-dai-4-1735110564.jpg
Đường song hành dự kiến hoàn thành trong năm 2025 nhưng 3 cầu qua sông Hồng, sông Đuống chưa được triển khai xây dựng. Ảnh: Hữu Chánh

Giao thông phải thông suốt

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học GTVT) cho biết, trong hạ tầng giao thông, đường vành đai vô cùng quan trọng, tránh cho các phương tiện chạy xuyên tâm thành phố.

“Mục đích của đường song hành sinh ra để phục vụ đường cao tốc, chứ không phải đường cao tốc sinh ra để phục vụ đường song hành. Vậy nếu chỉ có đường song hành thôi thì việc phục vụ sẽ không hiệu quả” - PGS Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự án này kế hoạch hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Đến nay, tiến độ triển khai các Dự án thành phần 1.1 - Bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và Dự án thành phần 2.1 - Xây dựng đường song hành cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là triển khai Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) bảo đảm tiến độ và giải ngân vốn Trung ương năm 2024 được bố trí cho dự án là 4.190 tỉ đồng.

Hiện các Dự án thành phần đường song hành (nhóm Dự án thành phần 2) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm hoàn thành vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, khi hệ thống đường song hành dự kiến được hoàn thành trong năm 2025 vẫn chưa thể kết nối thông toàn bộ tuyến do các cầu lớn như cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (qua sông Hồng), cầu Hoài Thượng (qua sông Đuống) thuộc Tiểu dự án đầu tư công trong Dự án thành phần 3 chưa hoàn thành, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Trước tình hình đó, UBND thành phố Hà Nội kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện Tiểu dự án đầu tư công trong Dự án thành phần 3 như một dự án đầu tư công thông thường và được triển khai độc lập, song song và không phụ thuộc vào tiến độ, kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện phần còn lại của Dự án thành phần 3.

(Theo Hữu Chánh-Khánh An/Lao động)

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-doi-mat-nguy-co-duong-cho-cau-8750.html