Cảnh báo việc học sinh nuôi Kumathong
Ngày 26/12, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Nam thông báo đã gửi công văn đến Phòng Giáo dục Đào tạo và các trường về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh trường học.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Sở này thông báo về việc phát hiện một số học sinh mua búp bê Kumanthong qua các trang mạng xã hội, sau đó đem về nhà thờ cúng nhằm cầu may mắn và học giỏi. Một số đối tượng đã lợi dụng tâm lý cả tin, nhẹ dạ, sự tò mò và thiếu hiểu biết của học sinh để dụ dỗ các em tham gia vào hành vi này.
Công an tỉnh Quảng Nam cảnh báo, đây là hành vi mê tín dị đoan rất nguy hiểm, có thể gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ và tác động xấu đến bản thân học sinh, gia đình và xã hội. Để đảm bảo an ninh trật tự, Công an tỉnh đề nghị Sở Giáo dục Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên.
Trong công văn, Sở Giáo dục Đào tạo yêu cầu các đơn vị giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho học sinh, ngăn chặn các hành vi lôi kéo, tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật; đồng thời tránh tình trạng học sinh tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan và các hoạt động tôn giáo trái phép.
Các trường học cũng cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình học sinh và phối hợp cung cấp thông tin cho lực lượng công an khi phát hiện các vụ việc liên quan.
Đây không phải lần đầu có cảnh báo phát đi về tình trạng học sinh nuôi kumathong. Vào năm 2022, qua công tác nắm bắt tình hình, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện tình trạng một số học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn mua, "nuôi" và buôn bán búp bê Kumanthong. Việc tham gia vào các hoạt động này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập và sinh hoạt của các em học sinh. Có những học sinh đã "nuôi" Kumathong được vài năm. Đặc biệt, một số em còn "nuôi" Kumanthong với hy vọng cầu may mắn, trúng số lô, số đề…
Do đó, bên cạnh việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi này, cơ quan công an còn phải phối hợp chặt chẽ với các nhà trường và gia đình để tuyên truyền, vận động các học sinh hiểu rõ bản chất mê tín dị đoan của hiện tượng này và khuyến khích các em không tham gia vào việc mua bán, nuôi dưỡng búp bê Kumanthong.
Hệ lụy nghiêm trọng
Búp bê KumanThong có nguồn gốc từ Thái Lan, được đồn thổi có nhiều quyền năng siêu nhiên về mặt tâm linh, mang lại may mắn, tài lộc cho người "nuôi". Theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh Lê Thái Bình - Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người, việc buôn bán búp bê Kumanthong phát triển mạnh ở một số quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Singapore... Điều này xuất phát từ sự cả tin và mù quáng của một bộ phận người dân.
Hàng loạt búp bê được sản xuất đại trà và bán ra ngoài thị trường với "mác" búp bê Kumanthong, kèm theo những câu chuyện thần bí, thêu dệt về khả năng siêu nhiên của chúng. Người ta cho rằng, chỉ cần chăm sóc búp bê như cho ăn, mặc đồ... thì gia chủ sẽ nhận được may mắn, phát tài, hoặc thậm chí sử dụng búp bê để quấy phá đối thủ trong kinh doanh.
Ông Bình nhấn mạnh, đó hoàn toàn là những hình thức lừa đảo, lợi dụng lòng tin mù quáng của một số người. Xét về mặt tâm linh, văn hóa và tín ngưỡng, không thể có chuyện linh hồn người chết được đưa vào búp bê để thờ phụng, giúp đỡ ai đạt được mục đích cá nhân.
Hơn nữa, việc này hoàn toàn không thể kiểm chứng, vì không ai có thể xác định được liệu búp bê Kumanthong có thực sự mang linh hồn hay không, và liệu chúng có khả năng "làm việc" như những gì đã được quảng bá. Điều này đi ngược lại quy luật tự nhiên và vi phạm đạo lý, giáo lý nhà Phật, cũng như thuần phong mỹ tục.
Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật cho biết, việc mua bán và tìm nuôi búp bê Kumanthong, cùng với việc truyền bá mê tín dị đoan nhằm mục đích trục lợi, là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Hành động này không chỉ gây ra sự hoang mang, ỷ lại và trông chờ vào vận may, bùa phép từ những người tin vào chúng, đặc biệt là giới trẻ, mà còn dẫn đến các hệ lụy xấu cho xã hội. Đặc biệt, nó còn tạo ra các hình thức lừa đảo để trục lợi phi pháp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và sự ổn định của xã hội.
Với những hoạt động mê tín dị đoan, pháp luật hiện hành quy định xử phạt hành chính với mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng với hành vi như lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Ngoài ra, theo điểm b, khoản 1, Điều 101 của Nghị định số 15/2020, những hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy cho các hủ tục, mê tín, dị đoan, hoặc những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Với những hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo Điều 320 của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ông Lê Thái Bình cũng cảnh báo, việc giới trẻ đắm chìm vào việc "thỉnh" búp bê Kumanthong để nuôi có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Những hệ quả này bao gồm mất đi sự độc lập trong cuộc sống, dễ bỏ qua các cơ hội thật sự, dễ sa ngã và đánh mất bản thân, dễ bị lừa gạt và lôi kéo, đồng thời có tâm lý tự ti, thua kém và không xác định được phương hướng rõ ràng trong cuộc đời.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhung-he-luy-khi-con-nuoi-bup-be-kumanthong-ma-cha-me-can-luu-y-8784.html