Trả tiền để đập phá đồ đạc
Gần đây, các “phòng thịnh nộ” hay "phòng trút giận" (Rage Room) đã trở thành địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để giải tỏa căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Mô hình này cho phép khách hàng đập phá các vật dụng như chai lọ, đồ điện tử cũ trong một môi trường an toàn, được giám sát kỹ lưỡng.
Là con gái nhưng Phan Thanh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã trở thành khách quen của dịch vụ này. Sau khi mặc đầy đủ đồ bảo hộ như ủng, găng tay, mũ bảo hiểm, Trang cầm gậy bóng chày, bước vào "phòng trút giận", rồi bắt đầu ra sức đập phá.
“Đối tượng” bị cô đập phá là hàng chục chai thủy tinh, đồ điện tử hỏng, lốp ô tô, bình sơn xịt và bút dạ. Tiếp theo, cô dùng búa đập vào cửa gỗ và tường, rồi lấy bút dạ vẽ lên những bức tường nham nhở với những hình vẽ graffiti.
Trang chia sẻ, ngay từ lần đầu trải nghiệm dịch vụ này, cô đã rất hài lòng với cách giải tỏa này. Nó giúp cô nhanh chóng lấy lại cân bằng. Thế nên, mỗi khi gặp áp lực, căng thẳng, cô đều lựa chọn “phòng trút giận”. Cô mong chủ dịch vụ có thể mở các phòng theo chủ đề, từ công việc đến tình cảm, để phù hợp với từng tâm trạng.
Tương tự, anh Lê Hải Long đã chi 300.000 đồng tại một “phòng trút giận” trên đường Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong 1 tiếng, Long đã phá vỡ 30 chai thủy tinh và dùng búa đập tường, cửa gỗ. Long chia sẻ, sau khi đập phá và la hét, anh cảm thấy nhẹ nhõm khi được trút bỏ một phần sự bực bội đã kìm nén trong lòng.
Còn chị Trịnh Thị Thu (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, chị làm việc tại một công ty tư vấn, mỗi ngày đều phải tiếp xúc với nhiều kiểu khách hàng nên không tránh khỏi phải chịu áp lực. Bên cạnh đó, các mối quan hệ xã hội và gia đình nhiều lúc cũng khiến chị thấy ngột ngạt.
Những khi căng thẳng như vậy, chị muốn đập tung mọi thứ để giải phóng mình. Nhưng rồi nghĩ đến hậu quả, chị lại không dám làm. Do đó, “phòng trút giận” thực sự đây là nơi để chị giải tỏa mọi áp lực. Khi đập phá, mồ hôi chảy ra khắp người, mệt lả đi cũng làm cho con người nhẹ nhõm hơn.
Thực tế, dịch vụ "phòng trút giận" đã xuất hiện rộng rãi ở nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Italia, Nga, Mỹ và Canada… Tại Hà Nội, dịch vụ này xuất hiện lần đầu vào năm 2017 với sự ra đời của Fury Room, cung cấp không gian cho khách hàng giải tỏa stress bằng cách đập phá đồ đạc.
Anh Nguyễn Văn Hào - chủ một cơ sở “phòng trút giận” tại quận Thanh Xuân cho biết, dịch vụ của anh thu hút đông đảo khách hàng trong độ tuổi từ 18 - 26. Khoảng 50% khách đến một mình, chủ yếu để giải tỏa áp lực từ công việc, tình cảm hay gia đình. Giá dịch vụ dao động từ 300.000 - 600.000 đồng cho mỗi lần sử dụng không giới hạn thời gian.
Không chỉ có mặt tại Hà Nội, mô hình phòng trút giận cũng đã xuất hiện tại TP. HCM từ đầu năm 2024. Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng gần chục cơ sở cung cấp dịch vụ này.
Không nên lạm dụng bạo lực để giải tỏa stress
Chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình chia sẻ, xã hội hiện đại với nhịp độ công nghiệp nhanh chóng, có rất nhiều môi trường gây áp lực, không chỉ là nơi làm việc mà còn những không gian chật hẹp khiến con người cảm thấy bị dồn nén và khó thoát ra được.
Theo ông, những áp lực này có thể khiến một số người không chịu nổi. Cách xả stress của mỗi người là khác nhau và mang tính cá nhân. Nhiều người sẽ có nhu cầu phải đập, phá một cái gì đó. Dịch vụ “phòng trút giận” đáp ứng được điều này, giúp giải tỏa những cảm xúc bức bối trong người, tương tự như những dịch vụ khác.
Tuy nhiên, ông đánh giá, nhìn từ góc độ của nền sản xuất xã hội, việc đập phá như vậy, liệu có phải là lãng phí? Ông cho rằng, để giảm bớt những áp lực lâu dài, cần tạo ra một môi trường sống tốt hơn như cải thiện môi trường làm việc và học tập, giảm tắc nghẽn giao thông… từ đó giảm thiểu căng thẳng và tạo ra một xã hội nhân văn hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Chung - giảng viên Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo, mỗi người nên tìm kiếm các phương pháp giải quyết vấn đề một cách triệt để hơn, như gặp chuyên gia tâm lý, tránh tiếp xúc với các yếu tố gây căng thẳng và học cách kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là cơn giận.
Nhiều bác sĩ tâm lý cũng nhận định, mặc dù mang lại cảm giác thoải mái tức thì, nhưng việc lựa chọn phương pháp giải tỏa căng thẳng có xu hướng bạo lực này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cách ứng xử của cá nhân trong những tình huống căng thẳng lâu dài.
Theo các bác sĩ tâm lý, giải pháp lâu dài và hiệu quả nhất là người bệnh cần phát triển khả năng chuyển hóa cảm xúc và thay đổi cách nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực. Khi thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, người ta sẽ tạo ra được cảm xúc tích cực.
Cảm xúc là trạng thái bên trong mỗi người và không ai ngoài chính mình có thể khiến ta vui hay buồn. Vì vậy, mỗi người cần học cách làm chủ và điều khiển tâm trạng của mình. Những người làm chủ được bản thân thường ít khi nổi giận.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/phong-trut-gian-giai-toa-cang-thang-theo-cach-moi-cua-gioi-tre-8799.html