In mã QR để nhận lì xì - Phong tục nay biến thành thực dụng?

Hiện nay, nhiều bà mẹ đã in mã QR lên kẹp tóc hoặc thẻ cài, dự định sẽ đeo lên người con trong những ngày Tết sắp tới. Mục đích của việc này là để thuận tiện nhận tiền lì xì.

Chị Hằng (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) vui vẻ nhận kẹp tóc có in mã QR. Lấy điện thoại ra thử quét để chuyển khoản, chị thấy thông báo thành công. Mấy ngày trước, chị có liên hệ một shop chuyên làm quà tặng để làm một chiếc kẹp tóc cho con gái và một chiếc cài áo cho con trai có in mã QR. Chị dự định sẽ để các con mang 2 món đồ này dịp Tết.

Kẹp tóc được in mã QR 

Chị Hằng chia sẻ, chị đặt làm 2 món đồ chỉ mất 3 ngày với chi phí 80.000 đồng cả vận chuyển. Năm nay đổi tiền mới khó khăn nên nhóm bạn thân của chị đều làm kẹp tóc, móc khóa, huy hiệu có in mã QR cho con. Tết này, nhóm chị sẽ cùng giao lưu màn trao lì xì kiểu mới.

Anh Nhật (31 tuổi, ở TP. HCM) cũng chọn cách in mã QR lên ốp điện thoại theo chủ đề năm mới. Anh đặt làm 2 chiếc ốp với giá 200.000 cho mình và vợ. Anh bảo làm thế để tiện nhận lì xì Tết này.

Những ngày qua, trên mạng xã hội tràn lan hình ảnh mã QR được in trên các vật dụng trẻ nhỏ hay đeo bên mình kèm lời quảng cáo “in mã QR tiện nhận lì xì năm mới”. Thực tế, từ năm trước đã xuất hiện những hình ảnh này, nhưng đa phần mọi người chỉ coi đây như một chuyện vui đùa, giải trí. Tuy nhiên, Tết năm nay, hình thức lì xì bằng chuyển khoản ngân hàng qua mã QR này có thể trở thành một xu hướng.

Chị Trang Nhung, một người nhận in các loại kẹp tóc, móc khóa, ghim cài áo có mã QR, cho biết trào lưu này xuất phát từ Trung Quốc, sau đó lan sang Việt Nam từ đầu năm 2023. Nhưng Tết năm nay mới thực sự bùng nổ. Một tuần nay, chị Trang không dám nhận đơn mới vì sợ không làm kịp.

Nhiều người thấy phản cảm khi nhận lì xì bằng chuyển khoản qua mã QR

Lì xì đầu năm trước giờ vẫn được coi là một nét văn hóa truyền thống đặc trung của ngày Tết. Lì xì thể hiện mong ước những điều tốt lành, may mắn, sức khỏe tới trẻ em. Thế nên, rất nhiều người thấy phản cảm trước xu hướng lì xì bằng chuyển khoản qua mã QR. Nhiều người cho rằng, nguyên tác của lì xì là tiền mới và mệnh giá nhỏ, tượng trưng cho may mắn, hoan hỉ. Chứ nhận tiền lì xì qua mã QR thì quá thực dụng, coi nặng giá trị đồng tiền.

Có ý kiến lại cho rằng, tiền lì xì chuyển vào tài khoản của bố mẹ thì khác nào trả nợ nhau, như thế phong tục mang ý nghĩa tốt đẹp lại trở thành cục nợ. Mà có lẽ, điều mất đi nhiều nhất chính là niềm vui của trẻ nhỏ khi được cầm trong tay phong bao lì xì đầu năm nhiều màu sắc.

Nhà tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) cũng chia sẻ, lì xì bằng chuyển khoản QR code tuy là thuận tiện nhưng dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm là quá thực dụng. Không chỉ vậy, nó còn làm mất đi một nét đẹp trong việc lì xì. Đó là không có phong bao đầy sắc xuân cùng lời chúc, nhắn gửi trên bao. “Tiền có thể tiêu đi nhưng bao lì xì và lời chúc có thể lưu giữ lâu dài", bà Nga nói.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/in-ma-qr-de-nhan-li-xi-phong-tuc-nay-bien-thanh-thuc-dung-881.html