Hội đồng quản trị của OpenAI có kế hoạch chuyển đổi bộ phận vì lợi nhuận của tổ chức này thành một tập đoàn lợi ích công cộng Delaware (PBC) để huy động vốn để tiếp tục phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI). Tổ chức này sẽ có cấu trúc bao gồm cả tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức vì lợi nhuận như hiện nay, nhưng đang phát triển cấu trúc đó để củng cố cả hai nhánh.
Trong bài đăng vào hôm thứ sáu tuần qua, ban lãnh đạo OpenAI cho biết: “Hàng trăm tỷ USD mà các công ty lớn hiện đang đầu tư vào phát triển AI cho thấy những gì thực sự cần thiết để OpenAI tiếp tục theo đuổi sứ mệnh. Chúng tôi một lần nữa cần huy động nhiều vốn hơn chúng tôi tưởng tượng. Các nhà đầu tư muốn ủng hộ chúng tôi nhưng ở quy mô vốn này, cần vốn chủ sở hữu thông thường và ít sự tùy chỉnh về mặt cấu trúc hơn”.
Áp lực đối với OpenAI gắn liền với mức định giá 157 tỷ USD của công ty, đạt được trong hai năm kể từ khi công ty ra mắt chatbot ChatGPT và khởi động sự bùng nổ trong trí tuệ nhân tạo tạo sinh. OpenAI đã đóng vòng gọi vốn mới nhất trị giá 6,6 tỷ USD vào tháng 10, chuẩn bị cạnh tranh mạnh mẽ với xAI của Elon Musk cũng như Microsoft, Google, Amazon và Anthropic trong một thị trường được dự đoán sẽ đạt doanh thu lên tới 1 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ.
Việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn là cốt lõi của ChatGPT và các sản phẩm AI tạo sinh khác, đòi hỏi phải đầu tư liên tục vào các bộ xử lý mạnh mẽ (chủ yếu là các con chip AI của Nvidia) và cơ sở hạ tầng đám mây (được Microsoft tài trợ).
CNBC xác nhận vào tháng 9 rằng OpenAI dự kiến sẽ lỗ khoảng 5 tỷ USD trên doanh thu 3,7 tỷ USD trong năm nay. Những con số đó đang tăng nhanh chóng.
OpenAI cho biết, bằng cách chuyển đổi thành PBC “với cổ phiếu phổ thông”, họ có thể theo đuổi các hoạt động thương mại, đồng thời tuyển dụng riêng một nhân viên cho bộ phận phi lợi nhuận của mình, cho phép bộ phận đó thực hiện các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và khoa học.
Tổ chức phi lợi nhuận này sẽ có “lợi ích đáng kể” trong PBC “theo mức định giá hợp lý do các cố vấn tài chính độc lập xác định”, OpenAI viết.
Vào năm 2015, OpenAI được thành lập bởi CEO Sam Altman, Elon Musk và những người khác như một phòng thí nghiệm nghiên cứu tập trung vào trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI). Đến năm 2019, OpenAI đặt mục tiêu vượt ra khỏi vai trò chỉ là một phòng thí nghiệm nghiên cứu với hy vọng hoạt động giống một công ty khởi nghiệp hơn, do đó đã tạo ra cái gọi là mô hình lợi nhuận giới hạn, trong đó tổ chức phi lợi nhuận vẫn kiểm soát toàn bộ thực thể.
Cùng với quy mô không ngừng phát triển của OpenAI, mối quan hệ giữa tổ chức và các nhà đầu tư ngày càng trở nên khó xử. Vì vậy, công ty đã quyết định trở thành một công ty vì lợi nhuận. Kế hoạch này sẽ chính thức khởi động từ năm 2025.
OpenAI đã chia sẻ: “Cấu trúc hiện tại của chúng tôi không cho phép Hội đồng quản trị trực tiếp xem xét lợi ích của những người tài trợ cho sứ mệnh và không cho phép tổ chức phi lợi nhuận dễ dàng làm nhiều hơn là kiểm soát tổ chức vì lợi nhuận”.
OpenAI cho biết thêm, sự thay đổi này sẽ “cho phép chúng tôi huy động đủ vốn cần thiết theo các điều khoản thông thường giống như các đối thủ cạnh tranh của mình”.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/openai-dang-can-nhieu-von-hon-ca-tuong-tuong-8824.html