Thu hồi sản phẩm và cam kết hoàn tiền
Liên quan đến vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm tuồn ra thị trường, ngày 29/12, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vẫn đang mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan.
Đáng chú ý, trong 6 cơ sở bị phát hiện sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine (còn gọi “nước kẹo”) để sản xuất giá đỗ, có cơ sở sản xuất của đối tượng Lâm Văn Đạo còn ký hợp đồng bán cho Bách hoá Xanh từ 350 - 400kg giá đỗ mỗi ngày. Trên bao bì giá đỗ ngâm hóa chất còn đều in dòng chữ: “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản”. Đây cũng là cơ sở duy nhất của Lâm Đạo được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Ngay sau vụ việc, Bách Hóa Xanh đã thông báo ngừng bán và thu hồi toàn bộ sản phẩm giá đỗ ủ hóa chất từ nhà cung cấp Lâm Đạo, đồng thời cam kết hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho khách hàng tại các cửa hàng của hệ thống ở Đắk Lắk. Để nhận lại tiền, khách hàng chỉ cần cung cấp hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử từ phần mềm tích điểm của Bách Hóa Xanh có ghi nhận giao dịch mua giá đỗ từ nhà cung cấp Lâm Đạo.
Sau thông tin về việc hoàn tiền mua giá đỗ nhiễm hóa chất, nhiều người tiêu dùng đã phản ứng mạnh mẽ. Chị Thùy Dung (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bức xúc chia sẻ, một bịch giá chỉ 5.000 - 10.000 đồng, việc hoàn tiền có thấm gì so với sức khỏe của khách hàng đã sử dụng sản phẩm nhiễm hóa chất nguy hiểm?
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Lâm cho rằng, điều quan trọng Bách Hóa Xanh cần làm là rà soát lại quy trình kiểm tra chất lượng đầu vào, đặc biệt đối với hàng tươi sống. Tiền mua giá đỗ không đáng bao nhiêu, nhưng quan trọng là sức khỏe của người tiêu dùng và lòng tin của họ đối với sản phẩm của siêu thị. Thực tế, nhiều người vẫn chọn mua hàng tại siêu thị vì tin tưởng vào chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.
Niềm tin đã mất thì rất khó lấy lại
Khoảng 2 năm trước, dư luận cũng đã xôn xao trước vụ việc một số công ty đã gom rau ở chợ, dán nhãn “đạt chuẩn VietGAP” rồi bán cho siêu thị tại TP. HCM. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua rau "an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" bán tại các siêu thị. Nhưng niềm tin của người tiêu dùng vào khâu kiểm tra chất lượng của siêu thị đã bị lợi dụng, để bán thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Chị Phạm Thị Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chuyển hẳn sang mua rau củ quả, thịt cá và các sản phẩm khác tại siêu thị trong nhiều năm qua do lo ngại về vệ sinh và an toàn thực phẩm tại chợ. Chị Hà chia sẻ, chị cảm giác hàng hóa ở siêu thị có vẻ "sạch sẽ" hơn. Bởi có nhiều người tiêu dùng giống chị, đi chợ hàng ngày, nhưng không để ý đến việc truy xuất nguồn gốc. Một là vì không có thời gian, hai là không phải ai cũng biết đến truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Chị Hà bảo, người dân mua rau củ quả tại siêu thị trước hết là do có niềm tin vào khâu kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt. Nếu để mất niềm tin rồi thì rất khó để có thể lấy lại.
Còn bà Nguyễn Thị Hiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, bà đi chợ thường dựa vào kinh nghiệm của bản thân để mua hàng. Thực phẩm chỗ nào mua về ăn ngon thì bà sẽ quay lại mua tiếp. Còn những thông tin trên bao bì thì không thể tin tưởng hoàn toàn, bởi người dân hiện không có cách nào để xác định chắc chắn chất lượng sản phẩm.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ, ngay cả những siêu thị có quy trình kiểm soát tốt nhất cũng không thể tránh khỏi việc lọt ra các thực phẩm không an toàn. Khi kiểm tra các sản phẩm hàng hóa, thực phẩm trong siêu thị, các đoàn kiểm tra chỉ dựa vào hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc sản phẩm mà siêu thị cung cấp. Việc kiểm tra chỉ dựa trên giấy tờ như vậy thì kết quả không thể chính xác.
Thêm vào đó, ông Phú cho rằng mức xử phạt còn nhẹ là một lý do khiến các siêu thị tiếp tục kinh doanh hàng hóa kém chất lượng. Ông Phú nhấn mạnh, nếu vẫn tiếp tục quản lý theo kiểu “trên giấy” như hiện nay, thực phẩm bẩn sẽ vẫn tái diễn và chịu thiệt hại lớn nhất chính là người tiêu dùng.
Về giải pháp chống thực phẩm bẩn, theo ông Phúc, các doanh nghiệp cần hợp tác để sản xuất thực phẩm tốt hơn và cùng nhau đảm bảo thực phẩm sạch. Nguồn gốc sản phẩm là một tiêu chí rất quan trọng, giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm an toàn. Nếu siêu thị bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng hoặc hết hạn sử dụng, họ sẽ phải chịu xử phạt tùy theo mức độ vi phạm.
Ông đề xuất cơ quan quản lý cần nâng cao mức xử phạt để có tính răn đe. Bên cạnh đó, việc giáo dục ý thức cũng cần được tăng cường và trở thành thói quen, giúp mọi người nhận thức rõ trách nhiệm của mình.
Có tình trạng "đá bóng" trách nhiệm
Sáng 30/12, ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND TP. Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc giá đỗ ngâm chất cấm.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc xử lý vụ việc, dẫn đến tình trạng "đá bóng" trách nhiệm giữa các đơn vị.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan và địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra và báo cáo về công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm. Các cơ quan cũng phải báo cáo về công tác điều tra, truy xuất nguồn gốc, triệu hồi sản phẩm và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện tại.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ, đồng thời đưa ra các giải pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giá đỗ trong thời gian tới để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương.
Phúc Hưng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/vu-gia-do-ngam-chat-cam-xuat-hien-trong-sieu-thi-dung-bao-mon-niem-tin-cua-nguoi-tieu-dung-8838.html