|
Phút 37 tại sân Rajamangala (Thái Lan), tiền vệ Seksan Ratree nỗ lực cứu bóng thành công bên cánh phải, nhưng hậu vệ Philippines phá bóng bất cẩn, tạo cơ hội cho Peeradol tung cú sút quyết đoán mở tỷ số trận đấu. Lúc này, tỷ số sau hai lượt trận đã cân bằng 2-2.
Tuy nhiên, băng ghi hình cho thấy bóng trôi hết đường biên ngang trước khi Seksan Ratree căng ngang vào vùng cấm của Philippines. Trọng tài chính Kimura bỏ qua lỗi này và cho trận đấu tiếp tục.
Phần lớn khán giả và cả những bình luận viên đều cho rằng bóng đã đi hết đường biên trước khi Peeradol ghi bàn.
Tuy nhiên, nếu mổ xẻ kỹ lưỡng hơn mọi góc quay và luật bóng đá, quyết định của trọng tài vẫn có lý nếu xét theo những khía cạnh đặc biệt.
Hiệu ứng khiến thị giác bị đánh lừa
Điều 9 trong 17 luật bóng đá cũng đề cập rất rõ về khi nào quả bóng được tính là nằm trong và ngoài sân: "Bóng ngoài cuộc khi toàn bộ trái bóng trôi qua đường cầu môn hoặc đường biên dọc, dù ở trên mặt đất hay trên không".
Khán giả truyền hình và cả các BLV thực tế chỉ tiếp cận được với một số góc máy quay cho thấy bóng dường như đã lăn hết qua vạch vôi trước khi tuyển Thái Lan ghi bàn.
Tuy nhiên, trọng tài chính Kimura có thể đã tiếp cận với tình huống bằng những góc nhìn cận cảnh hơn. Cụ thể, có khả năng bàn thắng của Peeradol hợp lệ vì đường cong của quả bóng khiến nó vẫn còn nằm trong sân.
Bóng được cho là đã đi hết đường biên ở tình huống này. |
Khi xét đến nhiều góc máy quay trực diện hơn từ trên cao, có thể thấy một phần nhỏ ở rìa quả bóng vẫn còn nằm trong sân. Điều này tương tự khi một số cầu thủ đá phạt góc đưa bóng hơi lượn ra ngoài một chút, nhưng thực tế vẫn hợp lệ.
Ví dụ điển hình nhất cho giả thuyết này là tình huống của Kaoru Mitoma ở trận Nhật Bản gặp Tây Ban Nha tại World Cup 2022.
Phút 51, Ao Tanaka dứt điểm cận thành tung lưới Tây Ban Nha để nâng tỷ số lên 2-1 cho Nhật Bản. Tuy nhiên, bàn thắng khi đó bị từ chối ngay vì một số góc máy quay cho thấy bóng dường như đã lăn hết qua vạch vôi trước khi Mitoma chuyền vào trong.
Tổ VAR mất đến hơn 2 phút, nhìn mọi góc máy quay cận cảnh trước khi đưa ra quyết định công nhận bàn thắng cho Nhật Bản.
Theo phóng viên James Sharpe của Times, sự bất bình của số đông sau khi xem lại pha quay chậm đầu tiên là minh chứng cho thấy góc quay cũng ảnh hưởng đến phán đoán.
Sharpe sau đó quay video chứng minh khi đặt một trái bóng nằm hoàn toàn ngoài sân và cách một khoảng so với vạch vôi, nhưng từ từ lia góc quay lên trên. Kết quả là phần rìa quả bóng lúc này thực tế nằm đè lên vạch, dù ở góc quay đầu tiên dường như nó vẫn cách đường kẻ vạch một khoảng.
Ví dụ cho thấy góc máy quay có thể khiến thị giác người xem bị đánh lừa. Ảnh: James Sharpe. |
FIFA cũng tung "bằng chứng" cho thấy bóng chưa hoàn toàn đi qua vạch vôi. Minh họa của FIFA cho thấy phần rìa trái bóng vẫn còn dính một phần trong vạch vôi, dù nhìn ở góc nghiêng dường như đã đi ra ngoài hoàn toàn.
Theo giải thích của cơ quan này, các trọng tài trong trận đấu đã sử dụng camera ở vạch cầu môn để xác định đường rìa của bóng vẫn dính một chút vào vạch.
Sự bất cập của công nghệ
Tuy video 3D minh họa nhìn khá rõ ràng, các trọng tài FIFA thực sự chỉ được tiếp cận với "những bằng chứng sẵn có", chính là camera đường biên để ra quyết định.
Đây cũng là một bất cập lớn của bóng đá. Dù liên tục được cập nhật, bổ sung các công nghệ mới qua từng mùa giải, tính năng xác định chính xác vị trí quả bóng với đường biên vẫn chưa tồn tại trong bóng đá.
Cựu trọng tài Keith Hackett cũng nhấn mạnh sự khó hiểu khi FIFA chỉ áp dụng công nghệ goal-line để xác định bàn thắng giữa hai cột trong khung gỗ mà lại không trang bị từ cột khung thành đến cột cờ góc.
Minh họa của FIFA về một tình huống trái bóng vẫn còn dính một phần trong vạch vôi, dù nhìn ở góc nghiêng dường như đã đi ra ngoài hoàn toàn. Ảnh: FIFA. |
Theo Science ABC, công nghệ goal-line là một hệ thống sử dụng camera vật lý hoặc công nghệ từ trường thay đổi để theo dõi quả bóng và xác định bóng đi qua vạch cầu môn hay chưa.
Khi bóng đi qua vạch vôi, một tín hiệu được mã hóa sẽ được truyền tới đồng hồ trên tay trọng tài, người sau đó có thể quyết định công nhận bàn thắng hay không. Nếu áp dụng công nghệ này để xác định bóng ra ngoài hay chưa sẽ minh bạch hơn rất nhiều.
Ngoài ra, một công nghệ khác cũng được cho là tối ưu để xác định những tình huống bóng trôi hết biên là Hawk-Eye (Mắt diều hâu) trong quần vợt.
Mắt diều hâu là hệ thống điện toán phức tạp để theo dõi đường đi của đối tượng di chuyển. Hawk-Eye ban đầu được tạo ra để dùng trong bộ môn Cricket.
Bề ngoài, hệ thống Mắt diều hâu khá đơn giản. Một sân đấu hỗ trợ công nghệ này sẽ có khoảng 10 máy quay đặt xung quanh sân đấu. Những thiết bị này ghi lại chuyển động của quả bóng tennis từ nhiều góc độ khác nhau. Sau đó, thông tin được chuyển về máy tính trung tâm xử lý.
Khi các phép đo ban đầu được đưa ra, 3 máy tính khác sẽ được đưa vào để bổ sung thêm những phương trình tính toán phức tạp. Qua đó, vị trí tiếp đất của quả bóng quần vợt sẽ được xác nhận chính xác với sai số dưới 3 mm.
Công nghệ Hawk-Eye sẽ phù hợp trong những tình huống cần xác định bóng liệu đã đi hết đường biên hay chưa. Ảnh: Perfect Times. |
Thực tế, công nghệ Hawk-Eye đã được áp dụng trong bóng đá từ năm 2013. Ngoại hạng Anh là giải đấu đầu tiên áp dụng giải pháp này từ mùa giải 2013-2014.
Goal-line dùng giải pháp tương tự với 7 camera đặt quanh sân, tập trung ở khu vực cầu môn và dùng nhiều thuật toán để xác nhận tình trạng của quả bóng với vạch vôi khung thành. Qua đó, trọng tài có thể dễ dàng xác nhận bàn thắng trong những tình huống gây tranh cãi.
Tuy nhien, Goal-line không được sử dụng nhiều trong thực tế như Hawk-Eye. Các tình huống nhạy cảm, khó đưa ra quyết định rằng bóng qua vạch vôi hay chưa ít xuất hiện trong bóng đá. Trong khi đó, bằng cơ chế thử thách, Hawk-Eye được dùng nhiều trong quần vợt chuyên nghiệp.
Đồng thời, các máy quay và thuật toán Goal-line tập trung xử lý tương quan giữa quả bóng và khung thành. Trong khi đó, tương tác với đường biên ngang, đường biên dọc không được tính tới. Do đó, không có công nghệ hỗ trợ trọng tài trong trường hợp nhạy cảm như pha bóng của Seksan Ratree.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-huyet-cong-nghe-trong-ban-thang-gay-tranh-cai-cua-thai-lan-8859.html