Ngăn hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam
Nghị quyết 174/2024 của Quốc hội khóa XV có hiệu lực từ ngày 14/1, sẽ chính thức chấm dứt việc miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng hóa nhập khẩu nhỏ (dưới 1 triệu đồng). Điều này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý và chế tài quản lý thu thuế các sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế bán hàng vào Việt Nam.
Theo đó, các mặt hàng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh từ các sàn TMĐT như Shopee, TikTok, Lazada… sẽ không còn được miễn thuế GTGT như trước đây. Sự thay đổi này đến trong bối cảnh TMĐT tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng, quy định miễn thuế trước đây đã tạo ra "lỗ hổng" khiến hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, dễ dàng tràn vào thị trường Việt Nam.
Số liệu từ Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông, trong tháng 3/2023, trung bình mỗi ngày có từ 4 đến 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Giá trị mỗi đơn hàng thường dao động từ 100.000 - 300.000 đồng. Tính theo tháng, giá trị hàng hóa luân chuyển qua các sàn TMĐT đạt từ 1,3 - 1,9 tỷ USD.
Với số liệu trên, ước tính mỗi ngày, hơn 1.000 tỷ đồng hàng hóa giá rẻ được nhập khẩu vào Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước đã thất thu hơn 36.000 tỷ đồng tiền thuế GTGT mỗi năm.
Song song với đó, Nghị định số 134/2016 của Chính phủ quy định, các hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá hải quan dưới 1 triệu đồng hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000 đồng sẽ được miễn thuế. Điều này có nghĩa, từ trước đến nay, hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng không chỉ được miễn thuế GTGT mà còn được miễn thuế nhập khẩu.
Điều đáng chú ý, với sự phát triển nhanh chóng của các sàn TMĐT, một số người kinh doanh đã lợi dụng chính sách miễn thuế này để chia nhỏ đơn hàng, với giá trị mỗi đơn hàng chỉ vài ba trăm nghìn đồng nhằm trốn tránh thuế. Điều này đã dẫn đến thất thu thuế rất lớn, đồng thời tạo ra sự bất công trong cạnh tranh khi hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Theo nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong 9 tháng năm 2024, thị trường TMĐT nước ta chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%.
Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động.
Sản phẩm sản xuất trong nước cạnh tranh công bằng
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc miễn thuế GTGT trên còn khiến hàng hóa trong nước gặp khó khăn trong cạnh tranh, đặc biệt là khi hệ thống phân phối trong nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến sự suy giảm của ngành sản xuất nội địa.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa có giá trị nhỏ qua dịch vụ chuyển phát nhanh không còn phù hợp trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Khi quy định này được đưa ra vào năm 2010, hệ thống hải quan chủ yếu hoạt động thủ công và việc miễn thuế giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm số lượng hàng hóa cần khai báo thuế.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mà các giao dịch diễn ra rất nhanh và quy mô hàng hóa ngày càng lớn, việc miễn thuế đã trở thành một kẽ hở khiến Nhà nước thất thu lớn.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế nhận định, việc miễn thuế GTGT và thuế nhập khẩu với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng nhập vào Việt Nam gây bất công giữa hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước. Việc bãi bỏ quy định này sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý thuế, đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn.
Đồng tình với ý kiến này, luật sư Trần Xoa - chuyên gia thuế cho rằng, hàng hóa ngoại nhập giá rẻ, không phải chịu thuế đang tràn ngập thị trường, tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Bãi bỏ chính sách miễn thuế sẽ khuyến khích sản xuất trong nước.
Ông cũng khuyến nghị, về quy trình thủ tục bãi bỏ miễn thuế, cần có sự đồng bộ và thống nhất với các quy định về thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Hiện chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị nhỏ vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cùng với các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Do đó, để ngừng chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị nhỏ, Bộ Tài chính cần trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử nhằm đảm bảo không có sự miễn thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu giá trị thấp.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cham-dut-mien-thue-cho-hang-gia-tri-nho-tao-moi-truong-cong-bang-cho-san-pham-noi-dia-8925.html