Tăng xử phạt theo nghị định 168 - “liều vaccine” mạnh mẽ cho ý thức tham gia giao thông

Đại tá Trần Đình Nghĩa chia sẻ, hình ảnh đẹp về ý thức giao thông trong đêm ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan không chỉ phản ánh sự văn minh của người dân, mà còn minh chứng cho sự thay đổi tích cực trong nhận thức cộng đồng. Hành động đơn giản như dừng chờ đèn đỏ vào đêm khuya, trong niềm hân hoan, đã góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô an toàn và văn minh.

“Đi bão” nhưng vẫn tuân thủ dừng đèn đỏ

Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Theo nghị định này, mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt là vượt đèn đỏ, tăng nặng hơn rất nhiều so với trước đây.

Cụ thể, tài xế ô tô vi phạm đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng, còn với lái xe máy cùng hành vi này là từ 4 - 6 triệu đồng.

di-bao-1735904091.jpg
"Đi bão", nhưng nhiều người vẫn nghiêm chỉnh dừng đèn đỏ đúng quy định

Sau 3 ngày đầu triển khai nghị định, phần lớn người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tại nhiều ngã tư, tình hình giao thông đã trở nên trật tự hơn, khi mọi người đều tuân thủ dừng đèn đỏ.

Điều này có thể thấy rõ trong đêm 2 và rạng sáng 3/1, khi người dân trên nhiều tỉnh, thành của cả nước đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024.

Tại Thủ đô Hà Nội, hàng nghìn người hâm mộ đã đổ ra các tuyến phố để ăn mừng. Các con đường dẫn lên Hồ Gươm trở nên đông đúc, chật kín phương tiện và "nhuộm đỏ" bởi sắc cờ Tổ quốc. Thế nhưng, dù đang chìm trong niềm vui chiến thắng, dòng người vẫn tự giác dừng lại khi đèn đỏ, xếp hàng ngay ngắn chờ tín hiệu.

Ở nút giao Lê Đại Hành - Đại Cồ Việt hay Trần Nhân Tông - Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), nhiều phương tiện chấp hành nghiêm chỉnh khi dừng chờ đèn đỏ, tạo nên một khung cảnh vừa náo nhiệt lại vừa trật tự. Thậm chí tại nút giao Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), nhiều bạn trẻ còn đếm ngược thời gian đèn đỏ chuyển đèn xanh, rồi mới bắt đầu di chuyển.

Sự tự giác tuân thủ các quy định giao thông này khiến chính những người “đi bão” cũng phải bất ngờ. Anh Lê Minh Hoàng (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, dù vui đến đâu, mọi người vẫn ý thức được phải chấp hành luật giao thông, ngay cả khi không có lực lượng chức năng xuất hiện. Mọi người còn nhắc nhở nhau dừng đúng đèn đỏ vì mức phạt rất cao.

Tương tự, chị Đinh Tuyết Hạnh (quận Tây Hồ) cho hay, mọi người nhắc nhở nhau dừng đèn đỏ, một phần do mức phạt theo quy định mới rất cao, phần còn lại - quan trọng hơn là bảo vệ sự an toàn cho bản thân và người khác.

di-bao-1-1735904091.jpg
Người dân dừng đèn đỏ, chấp hành đúng luật dù không có lực lượng chức năng ứng trực

In hình ảnh tại chỗ để người vi phạm ký xác nhận

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT Công an TP. Hà Nội chia sẻ, hình ảnh đẹp về ý thức giao thông trong đêm ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan không chỉ phản ánh sự văn minh của người dân, mà còn là minh chứng cho sự thay đổi tích cực trong nhận thức cộng đồng.

Những hành động đơn giản như dừng chờ đèn đỏ vào đêm khuya, trong niềm hân hoan, đã góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô an toàn và văn minh.

Trong khi đó, Thiếu tá Trần Ngọc Trung - Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội cho hay, việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 168/2024 không chỉ nâng cao tính răn đe mà còn giúp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cố ý, góp phần giữ gìn trật tự giao thông. Những hành vi như vượt đèn đỏ, lạng lách hay đi ngược chiều không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người tham gia giao thông.

di-bao-2-1735904091.jpg
Lực lượng cảnh sát giao thông còn in ảnh tại chỗ để người vi phạm ký xác nhận (Ảnh: Hồng Quang/Tuổi Trẻ)

Quá trình xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông cho các tài xế xem lại hình ảnh ghi lại hành vi vi phạm của họ, qua đó giúp họ thấy rõ sự minh bạch và chính xác trong công tác xử phạt của lực lượng chức năng. Ngoài việc xem hình ảnh trực tiếp trên máy tính, lực lượng chức năng còn in hình ảnh để người vi phạm ký xác nhận. Nếu tài xế không mang theo đăng ký xe, cảnh sát sẽ ghi lại số khung, số máy để thực hiện thủ tục tạm giữ theo quy định.

Nhiều chuyên gia giao thông còn bước đầu đánh giá, Nghị định 168/2024 như một “liều vaccine” mạnh mẽ, giúp tăng cường tính răn đe đối với những hành vi vi phạm cố ý và nguy hiểm. Mức phạt mới này cũng góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông, khuyến khích chấp hành các quy định pháp luật và dần hình thành thói quen chấp hành luật.

Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia giao thông chia sẻ, phạt nặng là liều thuốc đắng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Việc phải đối mặt với hậu quả và gánh nặng tài chính liên quan đến các biện pháp trừng phạt này sẽ khuyến khích mọi người tuân thủ luật giao thông. Bằng cách xử phạt nặng, người đi đường sẽ thận trọng và có trách nhiệm hơn khi lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Sanh, bên cạnh việc phạt thật nặng để răn đe, về lâu dài cần tích hợp nhiều biện pháp để có kết quả toàn diện hơn như cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, triển khai các công nghệ an toàn tiên tiến trên xe, đầu tư vào các chương trình giáo dục lái xe toàn diện...

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nghi-dinh-168-lieu-vaccine-manh-me-cho-y-thuc-tham-gia-giao-thong-8929.html