Điện rác – Giải pháp không thể thiếu của đô thị hiện đại

Theo các chuyên gia, hiện nay “điện rác” đang là giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác thải hiện nay. Những thành phố lớn như TP.HCM đã và đang triển khai một số dự án loại này.

Quá tải về rác thải

Rác thải hiện nay vẫn đang là vấn đề lớn có tính chất toàn cầu, đặc biệt tại các đô thị lớn, khi tốc độ phát triển đô thị đang ngày càng mở rộng, dân số ngày càng tập trung đông đúc hơn. Tại Việt Nam, rác thải ngày càng trở thành vấn đề nóng, được Chính phủ và các cấp bộ, ngành, xã hội quan tâm.

Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt ở TP HCM là 9.800 tấn/ngày. Trong những ngày cao điểm lễ, tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Nhìn rộng ra cả nước, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Mỗi ngày cả nước đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, khoảng 60% rác là từ các đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng khi tốc độ gia tăng trong giai đoạn năm 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm. Hầu hết lượng rác thải hiện nay đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường (ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, mùi hôi phát tán, nước rỉ rác chảy ra môi trường).

Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị đặc biệt là các thành phố lớn đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó rác thải là một trong những vấn đề nóng cần được giải quyết. Trong khi đó, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu hiện nay vẫn là công nghệ chôn lấp.

Theo thống kê, công nghệ đốt chỉ chiếm khoảng 14%, công nghệ ủ phân hữu cơ khoảng 34% và công nghệ xử lý liên hợp kết hợp giữa ủ hữu cơ và đốt chiếm khoảng 52%. Các chuyên gia đánh giá, chôn lấp, ủ phân hữu cơ, đốt rác phát điện, đốt rác tiêu hủy, đốt rác tạo năng lượng (điện năng và nhiệt năng), công nghệ tái chế, công nghệ thu hồi khí mêtan… Mỗi loại hình sẽ phụ thuộc vào quy mô, lượng rác thải thu gom và công suất của lò đốt rác và khả năng đầu ra, tiêu thụ của từng địa phương, đặc biệt cần cân nhắc về chi phí vốn và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao và lượng rác thải sinh hoạt bình quân đầu người cũng tăng dần theo tỷ lệ thuận với mức thu nhập của dân cư, việc xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng càng trở nên bức thiết, cần phải có giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp.

Hiện, nhiều công nghệ trong nước và nước ngoài đã được ứng dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công nghệ nào được công nhận thực sự đảm bảo bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là Việt Nam không phân loại được rác thải từ đầu nguồn nên các công nghệ đã thành công ở nước ngoài, kể cả các quốc gia đã phát triển như Nhật Bản, các nước khu vực châu Âu, Mỹ… đều không thành công khi áp dụng.

Áp dụng rộng rãi đốt rác phát điện

Theo các chuyên gia, hiện nay “điện rác” là từ khóa được sử dụng rộng rãi qua phương tiện truyền thông đại chúng, biện pháp này đang được cổ vũ mạnh mẽ như là một giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác thải hiện nay.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, đốt rác phát điện đã thực sự xác định rác là nguồn tài nguyên để góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia… và xa hơn nữa, đây còn được coi là giải pháp hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn.

Việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện tại Việt Nam, sẽ giúp giải quyết xử lý khá triệt để chất thải sinh hoạt mà không phải tốn diện tích chôn lấp như cách hiện nay vẫn áp dụng. Trong vòng 10 năm tới, đốt rác phát điện cũng sẽ là xu thết tại Việt Nam.

nha-may-tam-sinh-nghia-1735917398.jpg
Ảnh: Phối cảnh dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa

Hiện nay, một số dự án nhà máy điện rác đã được khởi công xây dựng ở nhiều tỉnh thành như, dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi; Điện rác Vĩnh Tân, tại tỉnh Đồng Nai, có công suất xử lý 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30MW; ngoài ra còn có Nhà máy điện rác Sóc Sơn ở Hà Nội; nhà máy điện rác Trạm Thản ở Phú Thọ…

Trong năm 2024 vừa qua, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa do Tập đoàn Bamboo Capital làm chủ đầu tư đã được cấp phép xây dựng và khởi công giai đoạn I. Công nghệ lõi mà BCG Energy sử dụng cho Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll hiện đại bậc nhất hiện nay, đã được sử dụng tại hàng trăm nhà máy điện rác trên thế giới. Công nghệ này là lựa chọn tối ưu với đặc trưng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam (đa phần chưa qua tiền xử lý, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp).

Công nghệ đốt rác phát điện có ưu điểm là tiêu hủy được 90 - 95% thể tích và khối lượng rác thải, xử lý triệt để tình trạng mùi hôi và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tận dụng nguồn nhiệt lượng phát sinh để phát điện, tiết kiệm diện tích sử dụng đất, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Song song với việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại TP HCM, BCG Energy sẽ sớm triển khai các dự án đốt rác phát điện tại Long An, Kiên Giang, đồng thời mở rộng đầu tư các nhà máy điện rác và các dự án năng lượng tái tạo tiềm năng khác tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dien-rac-giai-phap-khong-the-thieu-cua-do-thi-hien-dai-8930.html