Quy định mới: Không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học

Thông tư mới vừa được Bộ Giáo dục Đào tạo ban ban hành quy định, giáo viên không được phép dạy thêm ngoài nhà trường và thu tiền từ học sinh mà mình đang giảng dạy nhằm ngăn ngừa việc đưa học sinh ra ngoài để dạy thêm.

Nhiều điểm mới về dạy thêm, học thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm. Thông tư được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định trong Luật Giáo dục 2019, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.

Thông tư mới ban hành quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

hoc-them-1735951584.jpg
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm

Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Thông tư hạn chế đối tượng tham gia học thêm, chỉ áp dụng cho ba nhóm học sinh, gồm những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền: Học sinh có kết quả học tập môn học chưa đạt ở học kỳ liền kề; học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường.

Đồng thời, giáo viên không được phép dạy thêm ngoài nhà trường và thu tiền từ học sinh mà mình đang giảng dạy nhằm ngăn ngừa việc giáo viên đưa học sinh ra ngoài để dạy thêm.

Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm, ba nhóm đối tượng trên sẽ do nhà trường bồi dưỡng, và việc này phải được đưa vào kế hoạch giáo dục của nhà trường. Mục tiêu là bảo đảm quyền lợi học sinh và đáp ứng yêu cầu chương trình, đồng thời không thu phí học của học sinh.

Thông tư mới cũng quy định về tổ chức lớp học thêm, phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu. Cụ thể, lớp học thêm sẽ được phân theo môn học, khối lớp, không quá 45 học sinh mỗi lớp theo Điều lệ trường phổ thông. Mỗi môn học thêm không được tổ chức quá 2 tiết mỗi tuần. Ngoài ra, không được xếp giờ dạy thêm chồng lên thời khóa biểu chính khóa và cũng không được dạy thêm trước các nội dung đã phân phối trong chương trình học.

Bên cạnh đó, theo quy định của Thông tư mới, các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và thu tiền từ học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dạy thêm cũng có trách nhiệm công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử của cơ sở hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học, thời gian dạy của từng môn theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu phí học thêm trước khi tuyển sinh các lớp học thêm, nhằm tăng cường giám sát từ cộng đồng và bảo đảm an ninh, an toàn của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Thông tư cũng yêu cầu hiệu trưởng tăng cường trách nhiệm quản lý đối với giáo viên thuộc quyền quản lý khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, quy định rằng: “Giáo viên đang giảng dạy tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.”

Mức thu phí học thêm ngoài nhà trường sẽ được thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh và cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác.

hoc-them-1-1735951584.jpg
Hoạt động dạy thêm ở bậc tiểu học vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương

Học sinh tiểu học không cần thiết phải học thêm

Chị Nguyễn Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) có 2 con đều đang học tiểu học. Chị Linh cho biết, con lớn của chị mới học lớp 4 và chị không có nhu cầu cho con luyện thi vào lớp 6 trường chất lượng cao. Nhưng khi thấy đa số phụ huynh trong lớp đều đăng ký cho con học thêm 2 buổi/tuần do giáo viên chủ nhiệm giảng dạy, chị cũng đành phải đăng ký theo.

Mỗi tuần vào thứ 4 và thứ 6, sau giờ học trên lớp, các con lại tiếp tục tham gia lớp học thêm gần trường, mỗi buổi kéo dài 1,5 giờ. Một trong hai con của chị còn đi học thêm cả sáng thứ 7, khiến gia đình phải tốn thêm thời gian đưa đón. Do đó, khi biết về thông tư mới của Bộ Giáo dục Đào tạo, chị mong cơ quan chức năng sẽ thực thi một cách hiệu quả.

Còn anh Trần Văn Minh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, con anh giờ đang học THCS. Nhưng năm bé học lớp 2, anh đã phải chuyển trường cho con vì bị giáo viên gây áp lực phải đi học thêm.

Anh Minh kể, mỗi lần đón con, anh thường bị giáo viên yêu cầu cho con tham gia lớp học thêm, với lý do con học kém và cần bổ sung kiến thức. Mặc dù không muốn con phải dành quá nhiều thời gian học các môn văn hóa, anh Dương đã phớt lờ lời đề nghị của cô giáo. Tuy nhiên, sau đó giáo viên tiếp tục gây sức ép, khiến gia đình phải chuyển con sang trường tư.

Anh Dương chia sẻ, học thêm là cần thiết đối với một số học sinh trong những giai đoạn nhất định, nhưng không nên áp dụng cho bậc tiểu học. Tôi mong các trường học sẽ tạo ra một môi trường vui chơi lành mạnh cho học sinh, giúp các em rèn luyện thể thao và phát triển toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào việc học thêm”.

Trước Thông tư số 29/2024, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2012 quy định rõ: “Không dạy thêm đối với bậc tiểu học”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động dạy thêm ở bậc tiểu học vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây bức xúc cho phụ huynh.

Tại nhiều nơi, sau giờ học chính khóa, phụ huynh phải đưa con đến các trung tâm hoặc lớp học thêm do giáo viên tổ chức. Một ngày học của các em nhỏ mới chỉ 6 - 7 tuổi kéo dài từ sáng sớm đến tối muộn. Phụ huynh thì vất vả vì việc đưa đón con, còn học sinh thì phải chịu áp lực học tập, không có thời gian nghỉ ngơi ngay từ khi còn học lớp 1.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, mục tiêu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, giáo viên và phụ huynh vẫn tìm cách tổ chức dạy thêm, học thêm để nhồi nhét kiến thức. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do thi cử và tâm lý ganh đua, cùng sự lo lắng của phụ huynh về việc con em có thể thua kém bạn bè.

Theo ông Lâm, với bậc tiểu học, học sinh còn nhỏ tuổi và đã học 2 buổi mỗi ngày, vì vậy không cần thiết phải học thêm các môn văn hóa dưới bất kỳ hình thức nào. Đối với những học sinh yếu kém, nhà trường sẽ phải có trách nhiệm cử giáo viên bồi dưỡng miễn phí.

TS. Lâm nhấn mạnh, mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực toàn diện cho học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò hướng dẫn cách học, còn học sinh tự học là chủ yếu. Bên cạnh đó, cần giảm bớt lý thuyết, tăng cường các hoạt động thực tế và thực hành để giúp học sinh hình thành kỹ năng. Phụ huynh cần nhận thức rõ điều này và không nên tìm mọi cách để đăng ký cho con em học thêm.

Nhiều chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng, học thêm chỉ là nhu cầu chính đáng trong trường hợp học sinh cần bồi dưỡng năng khiếu, học các chương trình nâng cao ngoài chương trình giáo dục phổ thông, nhằm phục vụ những mục tiêu cụ thể của học sinh và gia đình. Việc học thêm này hoàn toàn mang tính tự nguyện và thỏa thuận, không ai có thể can thiệp hay áp đặt.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/quy-dinh-moi-khong-to-chuc-day-them-voi-hoc-sinh-tieu-hoc-8932.html