Nhiều siêu thị e ngại tốn kém
Câu chuyện giá đỗ ngâm chất cấm “lọt” vào Bách Hóa Xanh khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi siêu thị có nhiều khâu kiểm tra mà thực phẩm bẩn vẫn có thể trà trộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn đe dọa uy tín và thương hiệu của các hệ thống phân phối.
Mới đây, tại "Hội nghị triển khai chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa", vấn đề kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào siêu thị cũng đã được đề cập. Trong đó, đại diện một hệ thống phân phối lớn thừa nhận, dù nhà cung cấp đã được sàng lọc kỹ lưỡng nhưng việc kiểm soát hàng hóa vào siêu thị hiện nay vẫn rất khó khăn.
Đặc biệt, khi siêu thị e ngại tốn chi phí cho công tác kiểm khâu kiểm nghiệm, mà chỉ dựa vào giấy tờ từ nhà cung cấp, thì chất lượng hàng hóa sẽ rất khó đoán, thậm chí có thể gặp rủi ro khi nhà cung cấp tự làm sai.
Theo ông Trịnh Văn Đông (TP. Thủ Đức, HCM) - nhà cung cấp rau cho siêu thị nhiều năm, chất lượng hàng hóa của nhiều siêu thị vẫn còn "hên xui" vì không thể quản lý chặt chẽ ở các cơ sở. Bởi mỗi siêu thị có hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả nghìn điểm bán, trong khi nhà cung cấp thì phân tán khắp nơi. Chất lượng và thương hiệu hàng hóa rất đa dạng, từ những cơ sở nhỏ lẻ đến các công ty lớn. Chẳng hạn, chỉ riêng mặt hàng giá đỗ đã có hàng trăm nhà cung cấp cho các siêu thị.
Ông Đông nhấn mạnh, mặc dù chính sách tổng thể có vẻ hợp lý, nhưng việc thực thi ở từng điểm bán lại khó đảm bảo. Nếu không kiểm soát chặt chẽ điểm bán và bộ phận thu mua, dễ dàng phát sinh tiêu cực trong khâu nhập hàng, từ đó chất lượng hàng hóa nhập vào sẽ rất khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cũng cho rằng, đừng chỉ nhìn vào tờ giấy mà cho hàng vào, thay vào đó tăng tần suất kiểm tra đột xuất mới ra được nhiều vấn đề, đồng thời phải công khai kết quả lấy mẫu kiểm tra của hệ thống phân phối, của nhà cung cấp. Việc công khai mới tăng yếu tố giám sát, răn đe.
Giải pháp nào ngăn chặn thực phẩm bẩn vào siêu thị?
Năm 2022, sự việc rau được thu gom từ chợ rồi gắn mắc “chuẩn VietGAP” tuồn vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi từng gây “rúng động” dư luận. Thời điểm đó, nhiều chuyên gia cho rằng để tránh tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó", rất cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ.
Đồng thời đề xuất mỗi địa phương xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, không để xảy ra tình trạng nông sản an toàn sản xuất ở một nơi nhưng lại gắn mác ở nơi khác gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên đến nay, khi sự việc giá đỗ ngâm chất câm bị phanh phui, vấn đề này một lần nữa “nóng” lên.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, việc kiểm soát đầu vào của siêu thị là vô cùng quan trọng và cần có các giải pháp hỗ trợ thêm cho các đơn vị này. Nếu không, tình trạng kinh doanh thực phẩm kém chất lượng sẽ tiếp tục tái diễn khiến người tiêu dùng không yên tâm.
Sở Công Thương đã triển khai chương trình "Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP. HCM" hay còn gọi là "Tick xanh trách nhiệm" và nhận được sự đồng hành quyết tâm từ các hệ thống phân phối. Đây là giải pháp tốt nhất hiện nay để các hệ thống phân phối khắc phục lỗ hổng kiểm soát .
Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Langbiang Farm (Lâm Đồng) cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải minh bạch và công khai tất cả các khâu kiểm soát chất lượng mà siêu thị và cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Ông đề xuất vận động người tiêu dùng chủ động mang mẫu thực phẩm đi kiểm nghiệm, còn cơ quan chức năng có trách nhiệm hỗ trợ để công bố kết quả kiểm nghiệm này, bảo đảm tính minh bạch.
Đồng quan điểm, đại diện một nhà sản xuất thực phẩm tại TP. HCM cũng đề xuất tăng cường việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và xử lý "phạt nguội" bằng cách công khai kết quả kiểm nghiệm, bao gồm cả kết quả tốt và xấu, đồng thời đăng tải thông tin này trên các phương tiện truyền thông.
Theo ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ TP. HCM, cần đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là một giải pháp không tốn nhiều chi phí nhưng lại giúp kiểm soát tốt thông tin về sản phẩm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý chất lượng hiệu quả hơn.
Trong khi đó ông Trịnh Văn Đông cho rằng, công tác kiểm nghiệm cần phải duy trì thường xuyên và có các xe kiểm nghiệm lưu động để kiểm tra đột xuất hàng hóa của các nhà cung cấp, thậm chí ngay tại nơi sản xuất. Bởi hiện nay, nhà cung cấp thường chỉ lựa chọn hàng đẹp để chào hàng, nhưng nếu không kiểm soát liên tục, rất khó đảm bảo chất lượng ổn định theo thời gian.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/con-nhieu-bat-cap-trong-khau-kiem-nghiem-khien-thuc-pham-ban-van-lot-vao-sieu-thi-8942.html