Vô tình thành tham gia đánh bạc
Ngày 7/1, Công an TP. HCM đã đưa ra cảnh báo về nạn cờ bạc trá hình dưới trào lưu xé “túi mù" (blind box) đang nổi trên mạng xã hội. Theo đó, một số YouTuber, TikToker và KOLs đã lợi dụng sự chú ý của cộng đồng để tổ chức livestream quay thưởng.
Người chơi phải trả từ 20.000 - 50.000 đồng để mua các con số (tương ứng với số thứ tự của "túi mù") để thử vận may nhận được các món đồ có giá trị. Những "túi mù" này thường được quảng cáo chứa các vật phẩm đang hot trên mạng xã hội như đồ chơi, trang sức hoặc các sản phẩm đắt tiền đang rất được quan tâm trên mạng xã hội.
Sau đó, các đối tượng tổ chức livestream sẽ quay trực tiếp hoặc lắc xúc xắc, xúc xắc có số bao nhiêu hoặc quay vào số nào thì người mua số đó sẽ thắng và nhận được phần quà là "túi mù" đã mua.
Công an TP. HCM cho rằng, trào lưu xé “túi mù" bản chất là một hình thức đặt cược, cờ bạc dưới dạng trò chơi may rủi lấy tiền hay một vật có giá trị ra để đánh cược. Người tổ chức sẽ thu được lợi nhuận bất chính từ chênh lệch giữa số tiền người chơi trả và giá trị phần thưởng.
Công an khuyến cáo, người dân không tham gia vào các trò chơi bốc thăm trúng thưởng hoặc các hình thức tương tự trên mạng để tránh vi phạm pháp luật, đặc biệt là đối với những game online hay trò chơi có dấu hiệu cờ bạc trá hình. Nếu phát hiện các buổi livestream lôi kéo người tham gia các trò chơi đổi thưởng trá hình hoặc quảng cáo có dấu hiệu cờ bạc, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật.
Theo Công an TP. HCM, hành vi của những người tổ chức livestream bán số để quay "túi mù" trả thưởng có dấu hiệu của tội tổ chức đánh bạc, người chơi vô tình sẽ trở thành các con bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đánh bạc. Tùy mức độ vi phạm, người tham gia có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Hình thành thói quen tiêu dùng bốc đồng
Liên quan đến trào lưu xé “túi mù”, chuyên gia tâm lý Đinh Văn Thịnh nhận xét, về mặt xã hội, các trào lưu như xé “túi mù" có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tiêu dùng bền vững. Chúng khiến con người có xu hướng mua sắm nhiều thứ mình muốn hơn là những thứ mình thực sự cần, đặc biệt là khi quyết định mua sắm thường dựa vào cảm xúc nhất thời thay vì nhu cầu thiết yếu.
Chuyên gia Thịnh cũng chỉ ra rằng, việc tham gia vào trò chơi "túi mù" còn hình thành thói quen tiêu dùng bốc đồng. Người chơi thường khó kiểm soát bản thân trước những sản phẩm hấp dẫn, dẫn đến chi tiêu một cách lãng phí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn gây ra áp lực kinh tế khi những món đồ trong "túi mù" chỉ để trưng bày mà không phục vụ mục đích thực sự.
Thực tế, rất nhiều người trẻ đã rơi vào tình trạng này. Trần Thanh Dũng (SN 2000, Tân Bình, TP. HCM) là một trường hợp như vậy. Dũng cho biết, ban đầu cậu chỉ bỏ ra 79.000 đồng để mua 7 "túi mù" để trải nghiệm cảm giác được gọi tên trong buổi livestream. Nhưng sau khi chơi, cậu được tặng thêm 15 túi và nhận về tổng cộng 22 món đồ chơi dễ thương.
Dũng bảo, tính ra mỗi món đồ chơi chỉ khoảng 3.500 đồng. Cậu vốn thích những món đồ dễ thương nên thấy đây là mức giá khá rẻ. Nhất là khi xem qua các cửa hàng bán sỉ hay các sàn thương mại điện tử, cậu thấy giá của chúng còn cao hơn so với khi tham gia xé “túi mù” trên livestream. Vì vậy, Dũng bắt đầu chơi xé “túi mù" mỗi ngày để sưu tập các mô hình đồ chơi đáng yêu.
Trong khi đó, chị Phan Mỹ Hạnh (26 tuổi, quận 5, TP. HCM) từ khi biết đến các livestream xé “túi mù" vào tháng 10, chị đã không thể dứt ra được và mỗi ngày đều xem livestream. Chị tiết lộ trong suốt tháng qua, mỗi đêm chị chi khoảng 300.000 - 400.000 đồng để mua "túi mù" trên livestream. Nếu có món đồ chơi đẹp, chị sẽ mua nhiều, còn đồ hình dáng bình thường thì mua ít.
Chị Hạnh bảo, dù trong quá trình chơi, chị cũng được tặng thêm rất nhiều món đồ. Tuy nhiên, chị chỉ thích xem livestream và tham gia trò chơi xé “túi mù" chứ không thực sự đam mê sưu tầm các món đồ chơi. Do đó, những mô hình đồ chơi sau khi mở "túi mù" sẽ được chị bán sỉ cho người khác hoặc tặng cho các em nhỏ trong gia đình.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hà (Phủ Lý, Hà Nam) cũng khiến nhiều người phải giật mình. Chị Hà cho hay, ban đầu chị chỉ lên mạng tìm mua “túi mù” cho con gái chơi. Nhưng rồi chị lại bị cuốn vào các phiên livestream từ khi nào không hay. Chị mê mẩn những phiên livestream đến mức đã bỏ ra khoảng 50 triệu để xé “túi mù”.
Nhiều chuyên gia kinh tế còn đánh giá, sự phát triển của thị trường "túi mù" còn đi kèm với sự xuất hiện của hàng giả, hàng kém chất lượng. Hầu hết các "túi mù" có mức giá thấp đều được sản xuất tại Trung Quốc, với nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nhiều nhà sản xuất đã tận dụng cơ hội này để sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm giảm trải nghiệm thú vị khi chơi "túi mù" mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/canh-bao-co-bac-tra-hinh-tu-trao-luu-xe-tui-mu-cua-gioi-tre-9020.html