Cơ sở sản xuất có xác chuột, đặt cạnh nhà vệ sinh
Ngày 7/1, đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất xưởng sản xuất bim bim của Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Thực phẩm Đức Vinh tại khu công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức).
Đoàn phát hiện, bim bim bị chất đống trên sàn đất, công nhân không sử dụng găng tay khi đóng gói sản phẩm. Xưởng không đảm bảo quy tắc sản xuất một chiều, thiếu các khu vực phân tách rõ ràng và không khép kín. Đặc biệt, trong xưởng xuất hiện xác chuột chết, bốc mùi hôi thối.
Công ty không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của một số phụ gia và nguyên liệu. Ngoài ra, công nhân không được trang bị bảo hộ lao động và giấy khám sức khỏe của 7 nhân viên đã hết hạn.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục các vi phạm, vệ sinh lại toàn bộ khu vực, đồng thời sắp xếp lại quy trình sản xuất theo đúng quy định. Mẫu dầu chiên bim bim cũng được lấy để xét nghiệm. Ban chỉ đạo huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục giám sát và báo cáo kết quả xử lý trước ngày 14/1.
Cùng ngày, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cũng đã ra quyết định xử phạt cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh tại số 11 phố Hàng Than với số tiền 40 triệu đồng do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo UBND quận Ba Đình, cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh bị xử phạt vì các hành vi vi phạm: Quy trình sản xuất thực phẩm không tuân thủ nguyên tắc một chiều, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng; khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia và dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bị côn trùng và động vật gây hại xâm nhập.
Ngoài ra, khu vực lưu trữ và bảo quản không được trang bị đầy đủ giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, và không đảm bảo chế độ vệ sinh. Cơ sở cũng bị phát hiện sử dụng nhân công tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định. Cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở thực hiện ngay các biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trước đó, ngày 2/1, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất cơ sở này. Đoàn nhận thấy, cơ sở sản xuất bánh được bố trí trong khu bếp gia đình, không có sự phân khu riêng biệt; các dụng cụ sơ chế và chế biến cáu bẩn; nhà vệ sinh nằm ngay trong khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bị cơ quan chức năng xử lý thời gian qua. Tuy nhiên, 2 vụ việc này gây được nhiều chú ý nhất vì bim bim là sản phẩm được trẻ em yêu thích, thường được bày bán tràn lan tại cổng nhiều trường học. Còn bánh cốm Nguyên Ninh tại số 11 phố Hàng Than là cơ sở nổi tiếng lâu đời, xuất hiện từ năm 1865. Người Hà Nội và khách thập phương thường mua làm quà biếu như món đặc sản.
Số vụ vi phạm tăng gấp gần 3 lần
Năm 2024, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra 354.820 cơ sở, trong đó phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% tổng số cơ sở được kiểm tra. Số lượng cơ sở bị xử phạt tăng 2,9 lần so với năm 2023, đồng thời số tiền phạt cũng tăng 1,69 lần. Lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ án liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm (tăng gần 88%), với 97 bị can bị xử lý (tăng hơn 185%).
Theo Bộ Y tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn. Bộ Y tế nhấn mạnh cần tăng cường tuyên truyền về chế tài xử phạt nhằm thay đổi nhận thức của người dân, như việc phổ biến Nghị định 168 về xử phạt trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Ngoài ra, công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm và mang tính đột phá nhằm răn đe và giảm thiểu các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, tuyên truyền là giải pháp cơ bản để thay đổi nhận thức của người dân, nhưng đồng thời cần tăng mức xử phạt để tạo tính răn đe mạnh mẽ hơn. Hiện Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm và mong muốn các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo cập nhật thông tin lên hệ thống này.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long kết luận, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng số lượng các vụ vi phạm an toàn thực phẩm vẫn gia tăng. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung vào công tác phòng ngừa, tăng cường kiểm tra, giám sát, và xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm.
Công tác phối hợp liên ngành cũng được nhấn mạnh, với yêu cầu tất cả các cơ quan trong hệ thống, đặc biệt là các cơ quan chủ lực, cùng tham gia thực hiện. Việc tuyên truyền cần toàn diện hơn, đặc biệt về chế tài và xử phạt để nâng cao tính răn đe.
Về xây dựng văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15, với trọng tâm là các vấn đề cốt lõi như tiền kiểm và hậu kiểm. Ông cũng đề nghị các bộ nghiên cứu, đề xuất tăng cường chế tài xử phạt và sửa đổi các văn bản liên quan, đồng thời đẩy mạnh kết nối dữ liệu và chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tang-xu-phat-de-thay-doi-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-trong-an-toan-thuc-pham-9044.html