Hai mặt của mạng xã hội
Mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, mang lại nhiều lợi ích trong việc kết nối con người, tạo ra không gian giải trí mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Khi so sánh những tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em, rõ ràng là những ảnh hưởng tiêu cực chiếm ưu thế.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 đã thay đổi cách thức quản lý mạng xã hội đối với trẻ em. Theo đó, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em dưới 16 tuổi phải đăng ký tài khoản mạng xã hội cho trẻ bằng thông tin của chính mình và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung mà trẻ tiếp cận, đăng tải hoặc chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội.
Chị Trần Thị Lan Anh (Đống Đa, Hà Nội) có cô con gái học lớp 8. Chị chia sẻ, do nhu cầu học, vợ chồng chị đã sắm điện thoại riêng cho con. Chị biết con đã sử dụng mạng xã hội từ lâu. Ban đầu, chị không quá lo lắng. Nhưng sau một thời gian, chị nhận thấy con dần bị ảnh hưởng bởi các xu hướng và nội dung không phải lúc nào cũng phù hợp với độ tuổi.
Khi biết về Nghị định 147/2024/NĐ-CP, chị thấy các quy định vô cùng phù hợp để bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Chị đã đăng ký tài khoản mạng xã hội cho con gái bằng thông tin của mình và sử dụng các công cụ giám sát trên điện thoại của con để bảo đảm con không tiếp cận các nội dung độc hại.
Bên cạnh đó, chị luôn giải thích với con về những tác hại của việc sử dụng mạng xã hội một cách không kiểm soát. Tôi cũng khuyến khích con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như thể thao và giao lưu trực tiếp với bạn bè, giúp con giảm bớt thời gian dành cho mạng xã hội.
Chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến - Trường ĐH Mở TP. HCM đánh giá, quy định phải đăng ký tài khoản mạng xã hội bằng thông tin của cha mẹ là cần thiết vì trẻ em dưới 16 tuổi đang trong giai đoạn phát triển cả về thể chất và tâm lý, chưa có sự trưởng thành đầy đủ về nhận thức, tư duy và thái độ. Vì vậy, trẻ dễ bị ảnh hưởng, bắt chước và làm theo những hành vi không tích cực trên mạng xã hội.
Trong khi đó, tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, việc trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội cũng có thể mang lại một số lợi ích nhất định. Mạng xã hội là một kênh giúp trẻ tiếp cận nhiều bài học bổ ích về đạo đức, lối sống và ý thức trách nhiệm.
Đồng thời, đây cũng là một không gian giải trí phong phú với nhiều thể loại từ hoạt hình, phim truyện, âm nhạc, múa, ảo thuật, v.v. Ngoài ra, mạng xã hội còn hỗ trợ trẻ em học hỏi và phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cần thiết.
Dù vậy, ông vẫn đánh giá mạng xã hội cũng chứa nhiều nội dung xấu, độc hại có thể tác động tiêu cực đến suy nghĩ, nhận thức và hành vi của trẻ em. Nhiều nội dung xuyên tạc, cổ xúy cho những hành động nguy hiểm và thiếu suy nghĩ.
Đặc biệt, nếu sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài mà không kiểm soát, trẻ có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe như mỏi mắt, căng thẳng, thiếu ngủ, thậm chí là cảm giác mệt mỏi, trầm cảm, cô đơn và ngại giao tiếp với người khác. Do đó, phụ huynh cần trang bị cho con các kỹ năng cần thiết cũng như thái độ, trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.
Cách nào để giám sát trẻ?
Thực tế, nhiều nền tảng mạng xã hội đã quy định độ tuổi tối thiểu để sử dụng dịch vụ là 13 tuổi trở lên, nhưng nhiều trẻ vẫn có thể dễ dàng vượt qua các công cụ kiểm duyệt để tự tạo tài khoản.
Theo chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến, để ngăn chặn trường hợp trẻ em tìm cách lách quy định của Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm sử dụng mạng xã hội một cách tự do, cần áp dụng các kỹ thuật và công nghệ phù hợp.
Ví dụ, có thể sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt dựa trên trí tuệ nhân tạo để xác định độ tuổi người dùng từ hình ảnh, từ đó phân biệt chính xác trẻ em và người trưởng thành. Với phương pháp này, trẻ em dưới 16 tuổi sẽ không thể tự tạo tài khoản mạng xã hội.
Thạc sĩ Lê Anh Tú cũng nhấn mạnh, các nền tảng mạng xã hội cần có biện pháp hiệu quả để theo dõi, kiểm tra và ngăn chặn việc đăng ký hoặc đăng nhập tài khoản với thông tin khả nghi. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền và phổ biến kiến thức về pháp luật cũng như tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, thực tế hiện nay có nhiều thách thức trong việc thực thi Nghị định 147/2024/NĐ-CP. Điển hình, trẻ em có thể khai báo sai tuổi để vượt qua các quy định. Hiện tại, phần lớn các nền tảng mạng xã hội chỉ yêu cầu người dùng nhập ngày sinh mà không có công cụ xác thực mạnh mẽ.
Hơn nữa, việc giám sát cũng gặp khó khăn vì trẻ có thể sử dụng tài khoản của người lớn hoặc mượn thiết bị của bạn bè để truy cập. Việc theo dõi toàn bộ hoạt động của trẻ em trên mạng xã hội là rất khó khăn, đặc biệt đối với những gia đình thiếu kiến thức và công cụ công nghệ.
Bà cho rằng cần phải có giải pháp để thực hiện hiệu quả nghị định. Cần yêu cầu các công ty công nghệ tích hợp công cụ xác minh độ tuổi qua giấy tờ như căn cước công dân hoặc hộ chiếu, hoặc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Cần tăng cường giáo dục phụ huynh và trẻ em để nâng cao nhận thức về những tác hại của mạng xã hội nếu sử dụng sai cách.
Đồng thời, khuyến khích phụ huynh giám sát thời gian và nội dung mà con cái tiếp cận, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao và giao lưu trực tiếp để giảm thiểu thời gian sử dụng mạng xã hội. Cuối cùng, việc áp dụng công nghệ giám sát như các ứng dụng kiểm soát của phụ huynh cũng rất cần thiết để giới hạn thời gian và nội dung truy cập mạng xã hội của trẻ.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/can-co-che-de-tre-khong-lach-luat-tu-do-lap-tai-khoan-mang-xa-hoi-9105.html