Huy động 11 xe tải để vận chuyển tang vật
Ngày 14/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM đã khởi tố và bắt tạm giam Ngô Kim Diệu - Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm (quận Bình Tân), cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm (quận 8) và 20 người khác với cáo buộc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh.
Trước đó, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03) phát hiện một đường dây nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả, tập trung vào các loại thuốc đông y kết hợp tân dược điều trị các bệnh như đau xương khớp, viêm mũi, trĩ, phong ngứa, dạ dày, tim mạch, thần kinh... Đường dây này được xác định do vợ chồng Diệu và Hương cầm đầu.
Theo kết quả điều tra, vợ chồng Diệu đã tổ chức sản xuất thuốc giả với quy trình tách biệt, từ sản xuất viên nhộng, ép vỉ đến đóng gói. Nguyên liệu và thành phẩm được cất giữ tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm tránh bị phát hiện.
Tiến hành khám xét khẩn cấp tại bốn địa điểm, gồm cơ sở sản xuất, kho chứa nguyên liệu và nơi lưu giữ thành phẩm của đường dây sản xuất thuốc giả này, cơ quan công an đã thu giữ tổng cộng 1.164 thùng thuốc gồm thành phẩm và nguyên liệu các loại, trong đó có 56.255 sản phẩm thuốc giả.
Ngoài ra, 1.600kg bột nguyên liệu được sử dụng để sản xuất viên nén thuốc giả và năm hệ thống máy móc phục vụ đóng viên nang, ép vỉ cũng bị thu giữ. Do số lượng thuốc giả và nguyên liệu rất lớn, lực lượng chức năng đã phải huy động 11 xe tải để vận chuyển toàn bộ tang vật về trụ sở.
Các sản phẩm thuốc giả bị thu giữ được đóng gói bao bì với các công dụng ghi trên vỏ như trị xương khớp, trĩ, ngứa... Các sản phẩm này mang tên 33 thương hiệu khác nhau như "Xương Khớp Khắc Tinh," "Tỷ Thống An Khang," "Xạ Hương Linh Chi Đơn," "Ngứa An Khang," "An Trĩ Khang," "Khang Vị An," "Tọa Cốt Thần Kinh Thống"... Bao bì các sản phẩm giả mạo còn ghi thông tin sản xuất bởi các doanh nghiệp tại Singapore hoặc Malaysia.
Diệu chỉ học đến lớp 9 và không có chuyên môn về y dược. Để sản xuất thuốc giả, Diệu sử dụng thủ đoạn mua nguyên liệu thuốc Đông y và các hoạt chất tân dược có công dụng chữa một số bệnh cụ thể. Sau đó, các nguyên liệu này được trộn lẫn, nghiền thành bột rồi sử dụng máy móc để đóng viên nang, ép vỉ, dán gói, đóng lọ và hoàn thiện sản phẩm thuốc giả.
Đáng chú ý, một số hoạt chất tân dược được nhập khẩu, phân phối với mục đích sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng được Diệu mua để sản xuất thuốc giả. Điều tra còn cho thấy, khác với các vụ trước đây, Diệu không làm giả thương hiệu nào đang lưu hành. Thay vào đó, Diệu tự nghĩ ra tên một công ty không có thật, với trụ sở giả mạo tại nước ngoài, chủ yếu ở Malaysia và Singapore, để in trên bao bì sản phẩm.
Theo lời khai của Diệu, thủ đoạn này nhằm đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc và phát hiện đối tượng đứng sau sản xuất thuốc giả.
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn đã bị cơ quan chức năng triệt phát. Như ngày 7/1, Công an tỉnh Nam Định thông tin về việc khởi tố vụ án, bắt giữ Nguyễn Văn Vũ (trú huyện Nam Trực) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối tượng đã lừa bán thuốc nhỏ mắt giả thương hiệu Nhật Bản cho hơn 10.000 người trên khắp cả nước, chiếm đoạt số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Hay trước đó, vào tháng 8, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả liên tỉnh quy mô lớn do Nguyễn Văn Hưng (SN 1990, tỉnh Đắk Nông) cầm đầu. Công an đã thu giữ hàng nghìn sản phẩm thuốc giả, cùng 2,2 tấn phụ gia, tá phẩm, 1.000 tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Cefuroxim, 10 thùng vỏ hộp Panactol cùng nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả.
Bất chấp pháp luật cùng sức khỏe người bệnh
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng cảnh báo, việc sử dụng thuốc giả tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Ngoài không chưa được bệnh, người bệnh còn có thể bị ngộ độc do không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả.
Thuốc giả có thể chứa các thành phần kém chất lượng, không tinh khiết, hoặc dư lượng các chất cấm và kim loại nặng. Đặc biệt, các loại thuốc bổ sung vitamin kém chất lượng không đảm bảo đủ hàm lượng hoạt chất, dẫn đến việc sử dụng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như rối loạn tiền đình, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, hen suyễn, hay bệnh phế quản mạn tính, việc dùng thuốc giả hoặc kém chất lượng sẽ khiến bệnh không được kiểm soát và có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Trong trường hợp bệnh nhân tim mạch, thuốc giả có thể khiến huyết áp và nhịp tim không được kiểm soát, tình trạng xơ vữa động mạch hoặc đông máu không được cải thiện, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra biến cố tim mạch, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Với bệnh nhân ung thư, thuốc giả chắc chắn làm bệnh tình diễn tiến nặng hơn, rút ngắn đáng kể thời gian sống của họ. Tương tự, các loại thuốc trị đái tháo đường, tăng mỡ máu, hay gout nếu bị làm giả sẽ đẩy bệnh nhân vào tình trạng nguy kịch, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng.
Để tránh mua phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng, người tiêu dùng cần lưu ý các điểm sau: Chỉ nên mua thuốc từ các nhà thuốc, cơ sở y tế đáng tin cậy. Tránh mua hàng xách tay hoặc các loại thuốc được bán trôi nổi trên mạng, vì những sản phẩm này thường không được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng.
Quan sát kỹ bao bì, nhãn mác, và hình thức thuốc trước khi mua. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ. Đặc biệt, nên cảnh giác với các loại thuốc có giá rẻ bất thường. Kiểm tra kỹ số lô và hạn sử dụng trên bao bì. Thuốc giả thường có các thông tin này bị làm mờ, khó đọc hoặc không thống nhất giữa bao bì và vỉ thuốc.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ và đến các cơ sở uy tín. Tuyệt đối không nên nghe theo quảng cáo, lời truyền miệng hoặc mua thuốc được rao bán trên mạng. Khi mua thuốc, cần kiểm tra kỹ bao bì và hạn sử dụng. Nếu trong quá trình sử dụng có nghi ngờ về tác dụng hoặc hiệu quả của thuốc, nên dừng ngay và tìm đến sự tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ.
Về vấn đề pháp lý, luật sư Đào Văn Tài - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả hoặc kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Với các trường hợp sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với số lượng lớn, mức án có thể lên đến 20 năm tù, chung thân hoặc thậm chí tử hình.
Dù vậy, nhiều đối tượng vẫn vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật cũng như sức khỏe của người dân để sản xuất thuốc giả.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-vu-triet-pha-duong-day-san-xuat-thuoc-gia-quy-mo-lon-chuyen-gia-khuyen-cao-dieu-gi-9136.html