Phát triển thị trường nội địa
Nghị quyết 174/2024 của Quốc hội khóa XV có hiệu lực từ ngày 14/1, đã chính thức chấm dứt việc miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu nhỏ. Mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đã ký Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg quyết định bãi bỏ hoàn toàn Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Quyết định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18/2/2025. Tức là sau Tết Nguyên đán, các nhà nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam theo phương thức B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) với đơn hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế nhập khẩu, giống như hàng hóa giao dịch bình thường.
Chị Nguyễn Thị Minh Trang (Hà Nội) kinh doanh online đã nhiều năm. Chị cho biết, phần lớn hàng hóa chị bán có giá trị thấp và chủ yếu nhập từ Trung Quốc qua kênh thương mại điện tử. Với chính sách thuế mới, giá của các sản phẩm nhập khẩu sẽ tăng lên. Do đó, chị đang xem xét phương án tìm thêm nguồn hàng trong nước để không thay đổi giá cả, nhằm giữ chân khách hàng.
Ông Trần Đình Thăng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt, chủ thương hiệu giày dép Vento Việt Nam cho biết, các sản phẩm giày dép sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ do phải chịu thuế GTGT 10%. Điều này khiến giá thành sản phẩm trong nước cao hơn. Trong khi, người tiêu dùng trong nước hiện nay lại ưu tiên giá cả, rồi mới quan tâm đến chất lượng.
Tuy nhiên, công ty của ông lại xuất khẩu hàng vạn đôi dép mỗi năm sang Trung Quốc. Ông Thăng cho rằng, quyết định áp thuế đối với hàng nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp này có cơ hội tập trung phát triển thị trường nội địa.
Ông Trần Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Natural House cho rằng, quyết định này là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử.
Với môi trường kinh doanh công bằng, các doanh nghiệp sẽ tự nhận thức được cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ông tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt lợi thế của mình trên thị trường trong nước.
Các chuyên gia cho rằng việc áp thuế chỉ giải quyết một phần, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, vẫn còn nhiều công việc phải làm. Ông Đỗ Hòa - CEO Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào chiến lược marketing mạnh mẽ, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là phát triển các dòng sản phẩm cao cấp, sang trọng.
Điều này sẽ giúp tạo ra giá trị cao hơn và cạnh tranh hiệu quả ở bất kỳ thị trường nào. Thậm chí, ngay cả khi cạnh tranh với các công xưởng ở Trung Quốc, doanh nghiệp Việt vẫn có thể hợp tác với họ để gia công sản phẩm và xuất khẩu ra toàn cầu.
Kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu
Mặc dù quyết định bãi bỏ miễn thuế đối với hàng ngoại giá rẻ đã được ban hành, các chuyên gia và doanh nghiệp vẫn cho rằng cần có thêm các biện pháp bổ sung để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý cần thiết lập các quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu, bao gồm kiểm tra chất lượng và quy chuẩn hàng hóa. Trong bối cảnh không ít đơn hàng xuyên biên giới có giá trị nhỏ nhưng không đảm bảo chất lượng, việc thiết lập các rào cản kiểm định chất lượng là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp uy tín.
Ông Điền cũng nhấn mạnh, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử là một nhiệm vụ cấp bách, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo việc thu thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, việc dừng miễn thuế GTGT và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa hàng hóa nội địa và hàng nhập khẩu.
Trước đây, nhờ được miễn thuế, hàng nhập khẩu thường có giá rẻ hơn nên được người tiêu dùng Việt ưu tiên chọn mua. Tuy nhiên, khi chính sách mới được áp dụng, hàng nhập khẩu sẽ phải chịu thuế tương tự như hàng sản xuất trong nước, làm cho giá của hai loại hàng hóa này tương đương. Khi giá không còn chênh lệch, người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng Việt nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát luồng hàng hóa nhập khẩu trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh. Đặc biệt, việc thu thuế đồng đều sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bo-mien-thue-hang-gia-tri-nho-han-che-hang-kem-chat-luong-va-gian-lan-thuong-mai-9145.html