Bill Gates đã cùng người bạn thời thơ ấu của mình là Paul Allen thành lập ra Microsoft vào năm 1975. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, họ đã chứng kiến sự thay đổi của công nghệ mang tính cách mạng, đưa công ty phát triển nhanh chóng, vượt qua mốc doanh số 1 triệu USD lần đầu tiên, trước khi ra mắt công chúng vào năm 1986.
Ngày nay, Microsoft có giá trị khoảng 3 nghìn tỷ USD và Gates được coi là người giàu nhất thế giới trong nhiều năm, cho đến năm 2023 khi ông tụt xuống vị trí người Mỹ giàu thứ sáu và người giàu thứ bảy trên toàn cầu. Theo Forbes, ông có giá trị tài sản ròng là 104,8 tỷ USD và đang thực hiện các hoạt động từ thiện thông qua quỹ tư nhân của mình: Quỹ Bill & Melinda Gates.
Gần đây, ông đã ngồi lại với Giám đốc điều hành Eventbrite là Julia Hartz, tại một sự kiện do công ty đầu tư mạo hiểm Village Global tổ chức để thảo luận về các vấn đề liên quan kinh doanh và bí quyết thành công. Tại đây, Gates thừa nhân ông đã mắc phải một trong những sai lầm tốn kém nhất sự nghiệp của mình, dẫn đến sự mất mát lên tới 400 tỷ USD cho Micorsoft – một con số khổng lồ.
"Bạn biết đấy, trong thế giới phần mềm, đặc biệt là đối với nền tảng, đây là thị trường mà người chiến thắng sẽ giành được tất cả" . "Sai lầm lớn nhất từ trước đến giờ chính là sự quản lý sai lầm của tôi đã khiến Microsoft không thể trở thành Android như hiện nay”, ông chia sẻ sự tiếc nuối của mình.
Sự chậm trễ trong việc ra mắt nền tảng di động đã chứng tỏ là sai lầm” chết người” của công ty. Vào thời điểm Microsoft tung ra Windows Phone 7 vào năm 2010, Apple và Android đã chiếm lĩnh 99% thị trường điện thoại di động. iPhone của Apple (ra mắt năm 2007) và Android của Google (ra mắt năm 2008) đã tạo tiền đề cho kỷ nguyên điện thoại thông minh hiện đại.
Tuy nhiên, Microsoft đã tụt hậu, bám vào sổ tay hướng dẫn PC của mình thay vì nắm bắt sự cởi mở đã giúp Android trở nên thành công như vậy. Trong khi Android trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất và nhà phát triển, thì cách tiếp cận cứng nhắc của Microsoft khiến công ty này phải vật lộn để cạnh tranh.
Năm 2013, Microsoft đã mua lại mảng kinh doanh di động của Nokia với giá 7,2 tỷ USD, nhằm mục đích củng cố sự hiện diện của mình trên thị trường điện thoại thông minh. Tuy nhiên, sau khi Satya Nadella trở thành CEO vào năm 2014, ông đã đảo ngược chiến lược này, hủy bỏ thỏa thuận với Nokia và sa thải hàng nghìn người.
Đến năm 2015, Microsoft đã phần lớn thoát khỏi mảng kinh doanh điện thoại thông minh, đánh dấu một bước đi sai lầm tốn kém trong nỗ lực cạnh tranh trong lĩnh vực di động. Đối với Microsoft, thất bại này không chỉ là một cơ hội bị bỏ lỡ mà còn là bài học trị giá 400 tỷ USD để luôn đi trước thời đại.
Hiện nay, khi Microsoft vẫn là một công ty công nghệ hàng đầu thế giới, tuy nhiên Bill Gates vẫn không khỏi tiếc nuối cho cơ hội mà công ty đã bỏ lỡ trong lĩnh vực điện thoại di động.
Rich Miner, đồng sáng lập Android, đã không ngần ngại chỉ trích Bill Gates về thất bại của Microsoft trong việc thống trị thị trường điện thoại thông minh. Bình luận của Miner xuất hiện ngay sau khi Gates thừa nhận rằng việc thua Android là một trong những sai lầm lớn nhất của Microsoft, khiến gã khổng lồ công nghệ này mất khoảng 400 tỷ USD giá trị thị trường.
Trong một bài đăng trên X (trước đây là Twitter), Miner đã chia sẻ quan điểm của mình rằng, "Tôi thực sự đã giúp tạo ra Android để ngăn Microsoft kiểm soát điện thoại theo cách họ đã làm với PC - kìm hãm sự đổi mới."
Ông nói thêm, "Xin lỗi Bill, anh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về việc mất 400 tỷ USD so với anh nghĩ".
Lịch sử của Miner với Microsoft đã chứng minh cho lời chỉ trích của ông. Khi tham gia phát triển điện thoại Windows Mobile vào năm 2002, ông đã tận mắt chứng kiến sự thống trị của Microsoft trên PC có thể lan sang thiết bị di động như thế nào. Trải nghiệm đó đã thúc đẩy ông tạo ra một thứ gì đó khác biệt - một nền tảng mở có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của Microsoft. Đó là lý do mà Android ra đời sau đó.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nha-dong-sang-lap-android-noi-ve-khoan-lo-400-ty-usd-cua-microsoft-loi-la-do-bill-gattes-9165.html