Tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo quy định này thì có thể hiện tại không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Quy định khá nghiêm khắc này được áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông với tỷ lệ tuyệt đối mà không có nới lỏng về ngưỡng giới hạn bị xử phạt.
Việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt đối với người tham gia giao thông như hiện nay là rất khó khăn không chỉ cho người dân mà cả lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.
Ví dụ như, người dân sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nên các trường hợp này vẫn sẽ bị xử phạt theo quy định.
Hay còn một trường hợp nữa là cồn tự nhiên trong cơ thể, tuy hy hữu nhưng vẫn có. Theo một số chuyên gia y tế, trong cơ thể người bình thường luôn có một lượng nhỏ cồn ethanol nội sinh được tạo ra do quá trình lên men tự nhiên, bởi vi sinh vật đường ruột và sự chuyển hóa trong các mô.
Cồn nội sinh còn có thể xảy ra ở một số trường hợp dùng thuốc điều trị, thậm chí dùng lượng lớn cồn sát khuẩn ngoài da. Cồn nội sinh này có thể cho kết quả dương tính với máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nồng độ cồn nội sinh thường rất thấp, khó có khả năng dương tính khi test cồn qua hơi thở.
Trước những khúc mắc này, mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi các chuyên gia và một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu về nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông.
Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Cục đề nghị các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về cục trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế. Cục dựa trên những ý kiến này làm cơ sở để nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở khi lái xe.
Ngày 29/1 vừa qua, tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ", ông Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá các quy định xử lý nồng độ cồn đối với tài xế đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Mức xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn hiện đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt.
Dù vậy pháp luật hiện hành quy định những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/l khí thở vẫn chung một hình phạt. Như vậy, người uống 5 cốc bia hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau. Điều này chưa phù hợp. Ông Minh đề xuất, nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, kể cả chưa gây hậu quả.
Chia sẻ ý kiến về xử phạt tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt vi phạm hành chính với những trường hợp này. Tuy nhiên, cũng cần tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa quy định sao cho hài hòa, phù hợp với bối cảnh thực tế.
Việc lấy ý kiến của các chuyên gia và đơn vị về y tế đối với nồng độ cồn trong máu, hơi thở được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan chuyên môn có thêm các cơ sở đề xuất, xác định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh hợp lý hơn về xử phạt nồng độ cồn.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lay-y-kien-ve-gioi-han-nong-do-con-de-tranh-canh-mot-hop-bia-da-an-phat-nang-921.html