Thách thức trong kiểm soát người bán
Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2014, doanh số thương mại điện tử B2C chỉ đạt 2,97 tỉ USD, thì đến năm 2024, con số này dự kiến sẽ lên tới 25 tỉ USD.
Thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022.
Thị trường thương mại điện tử ngày càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng mở ra cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đa dạng, phong phú cả trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng đã tận dụng tốt các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, việc kiểm soát người bán trên các nền tảng TMĐT vẫn là một thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện nay, nhiều nền tảng TMĐT chưa thực hiện việc định danh và xác thực điện tử đối với người bán khiến việc kiểm soát thông tin người bán trở nên khó khăn và thiếu chính xác.
Thương mại điện tử liên quan đến nhiều lĩnh vực như thương mại, giao dịch điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế, bảo mật dữ liệu và chống gian lận thương mại. Tuy nhiên, các quy định hiện hành trong các luật chung không đủ chi tiết để giải quyết các vấn đề phức tạp và đặc thù của thương mại điện tử. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần phải xây dựng một văn bản luật riêng để điều chỉnh toàn diện và chi tiết các vấn đề này.
Một lý do khác khiến Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử là sự xuất hiện của các mô hình thương mại điện tử mới mà hiện chưa có quy định điều chỉnh riêng.
Đơn cử, hoạt động livestream bán hàng hiện chỉ được điều chỉnh chung như một hình thức quảng cáo kèm bán hàng, mà chưa có quy định rõ ràng về các chủ thể tham gia livestream, thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestream, hoặc vấn đề định danh chủ tài khoản và kiểm soát thông tin trong quá trình phát sóng.
Bộ Công Thương nhận định, các mô hình mới này đang vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành và gây khó khăn trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như quản lý hiệu quả. Đồng thời, các vấn đề như xác định danh tính người bán, truy vết và xử lý vi phạm, gian lận thuế, bảo vệ người tiêu dùng, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, và thương mại điện tử xuyên biên giới cũng chỉ ra sự cần thiết phải có một Luật Thương mại điện tử riêng biệt.
Do đó, dự thảo luật mới đã đưa ra các biện pháp quản lý cụ thể, quy định rõ các hình thức hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia và quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Những người thực hiện livestream hoặc tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề có điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được quy định rõ ràng hơn.
Tăng cường quản lý sàn xuyên biên giới
Đáng chú ý, Bộ cũng đưa ra nhiều quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Bộ Công Thương, với người bán nước ngoài, hiện chưa có cơ chế hiệu quả để quản lý và thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, gây ra thất thu ngân sách và làm khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm của hàng hóa nhập khẩu qua TMĐT gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ đối với người tiêu dùng. Trong trường hợp các nền tảng này không tuân thủ pháp luật Việt Nam, cũng chưa có cơ chế hay cơ sở pháp lý để ngừng hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian như logistics, thanh toán, hỗ trợ TMĐT.
Theo quy định hiện hành, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, hiển thị ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch mỗi năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, trong năm 2024, một số sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein... dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, vẫn cho phép người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán qua nền tảng với phiên bản tiếng Việt.
Do đó, trong dự thảo Luật mới, Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân và tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ, đồng thời thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu các nền tảng này xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua khi có vi phạm xảy ra trên nền tảng. Các hàng hóa và dịch vụ nước ngoài bán vào nước ta cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn của thị trường Việt Nam.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tang-cuong-quan-ly-san-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-9228.html