Những quán mì 1.000 đồng - điểm tựa ấm lòng cho người yếu thế

Khi đến tiệm, khách chỉ cần bỏ 1.000 đồng vào thùng giấy đặt trên bàn để đổi lấy một phần mì, trứng và rau. Tô, đũa và nước sôi đã được chuẩn bị sẵn để thực khách tự pha chế và thưởng thức. Tiệm mì không giới hạn đối tượng phục vụ, từ sinh viên, shipper đến các cô chú lao công đều có thể ghé qua.

Mong muốn lan tỏa tinh thần tương thân tương ái

Nằm ở góc đường Lê Lợi (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), tiệm mì gói 1.000 đồng vừa khai trương đầu tháng 1 vừa qua đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người.

Khi đến tiệm, khách chỉ cần bỏ 1.000 đồng vào thùng giấy đặt trên bàn để đổi lấy một phần mì, trứng và rau. Tô, đũa và nước sôi đã được chuẩn bị sẵn để thực khách tự pha chế và thưởng thức.

mi-goi-1-1737507262.jpg
Khách chỉ cần bỏ 1.000 đồng vào thùng giấy để đổi lấy một phần mì, trứng và rau (Ảnh: Thu Trâm/Dân Trí)

Chị Hà Mai Sương - chủ tiệm chia sẻ đây là một mô hình tự phát. Chị tận dụng mặt tiền nhỏ trước nhà để đặt bàn ghế và dụng cụ. Với số vốn 3 triệu đồng, chị tự tay chuẩn bị mọi thứ, mong muốn hỗ trợ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.

Tiệm mì không giới hạn đối tượng phục vụ, từ sinh viên, shipper đến các cô chú lao công đều có thể ghé qua. Tiệm mở cửa từ sáng sớm và đóng vào tối muộn. Để đáp ứng nhu cầu, chị Sương không giới hạn số lượng mì mỗi ngày, liên tục bổ sung khi thấy tủ mì vơi đi.

Chị cho biết, ban đầu chị đã đăng tải thông tin vị trí tiệm lên mạng xã hội để nhiều người biết đến. Tuy nhiên, cách này chủ yếu tiếp cận được các bạn sinh viên hoặc shipper, còn các cô chú lao công - nhóm người ít dùng mạng xã hội - vẫn chưa được hỗ trợ hiệu quả như mong muốn.

Sau hơn 3 tuần hoạt động, tiệm mì đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhiều bạn trẻ còn mang mì gói, trứng và rau đến đóng góp để giúp duy trì hoạt động của tiệm. Chị Sương hy vọng mô hình này sẽ lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, để mỗi tuyến đường đều có một tiệm mì hỗ trợ những người khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Toản - một nhân viên kỹ thuật tại Đà Nẵng bày tỏ, đây là một mô hình ý nghĩa, giúp người lao động no bụng để tiếp tục công việc. Chỉ với 1.000 đồng mà có đầy đủ trứng và rau thì rất chất lượng. Mô hình này cần được nhân rộng để hỗ trợ thêm nhiều người có thu nhập thấp.

Những vị khác “đặc biệt”

Đều đặn vào các buổi sáng, trưa và chiều, tiệm mì gói tại số 25, đường Lê Hữu Trác, thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh (ngay cạnh Trung tâm Y tế huyện Hương Khê) trở thành điểm đến ấm lòng cho các bệnh nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ với 1.000 đồng bỏ vào chiếc hộp nhỏ làm từ bìa carton, mọi người có thể nhận được một suất mì gói kèm trứng chiên hoặc xúc xích. Tại đây, nước nóng pha mì, bát, đũa cùng bàn ghế đã được chuẩn bị sẵn.

mi-goi-2-1737507262.jpg
Tiệm mì gói ngay cạnh Trung tâm Y tế huyện Hương Khê trở thành điểm đến ấm lòng cho các bệnh nhân và người lao động

Nếu chủ tiệm có mặt, khách hàng sẽ được hỗ trợ phục vụ. Nếu không, họ có thể tự phục vụ theo các hướng dẫn rõ ràng dán tại nhiều vị trí như: “Vui lòng để tiền vào đây - 1.000 đồng”, “Xin cẩn thận, nước sôi nóng” hay “Mỗi người một trứng thôi nhé, xin cảm ơn”.

Người sáng lập mô hình đặc biệt này là chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (trú thị trấn Hương Khê). Chị Huyền chia sẻ, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê không chỉ phục vụ bệnh nhân địa phương mà còn cả những người từ tỉnh Quảng Bình lân cận. Nhiều bệnh nhân và người nhà đi cùng đều có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, trong đó không ít người đến từ vùng dân tộc thiểu số.

Mong muốn phần nào giúp đỡ, nhiều năm qua, chị Huyền và nhóm bạn đã tổ chức các bếp ăn từ thiện, nấu từ 100 - 150 suất cơm, cháo mỗi ngày để phát tại bệnh viện. Tuy nhiên, do công việc của các thành viên trong nhóm thường xuyên bận rộn, việc duy trì bếp ăn từ thiện trở nên khó khăn và không ổn định.

Sau thời gian suy nghĩ, chị Huyền quyết định thay đổi cách thiện nguyện để việc hỗ trợ người khó khăn được duy trì lâu dài và thuận tiện hơn cho cả người nhận và người tổ chức. Từ đó, ý tưởng tiệm mì gói 1.000 đồng ra đời.

Tiệm mì gói 1.000 đồng được chị Huyền đặt tại một góc nhỏ trước quán cà phê của người bạn. Mọi thứ được bày biện đơn sơ: Một chiếc bàn để thực phẩm, bảng hiệu đơn giản, bàn ghế tận dụng từ quán cà phê, và các tờ giấy hướng dẫn được dán trên tường để hỗ trợ người đến sử dụng.

Nhiều người dân và bạn bè của chị Huyền khi biết tin đã ủng hộ mì gói, trứng, xúc xích, sữa hộp và nước lọc đóng chai. Một số người chị không quen biết cũng đi xe máy đến trước tiệm, lặng lẽ đặt thùng mì hoặc dây sữa lên bàn rồi rời đi.

Chị Huyền bảo, chị không khuyến khích bệnh nhân, người lao động nghèo ăn quá nhiều mì tôm. Tuy nhiên, tiệm mì mở ra để chia sẻ một phần khó khăn với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, lao động nghèo khi họ lỡ bữa, thiếu tiền ăn món khác hoặc có thêm bữa ăn nhẹ. Quá trình làm, chị cũng khảo sát nhu cầu của những vị khách “đặc biệt” để rút kinh nghiệm phục vụ.

mi-goi-1737507263.jpg
Tiệm mì 1.000 đồng được chị An và nhóm bạn mở (Ảnh: Bắc Bình/Thanh Niên)

Đơn giản muốn giúp người

Chị Phan Thùy An (40 tuổi) đã mở quán mì 1.000 đồng tại số 6 đường Huỳnh Việt Thanh (TP. Tân An, Long An). Chị chia sẻ, ban đầu, nhóm của chị định không lấy tiền. Nhưng nghĩ lại, ai cũng có lòng tự trọng, không muốn ai cảm thấy mang nợ, nên nhóm chị quyết định lấy 1.000 đồng/tô. Mọi thứ đều đã chuẩn bị sẵn, bà con có thể tự phục vụ tại quán hoặc mang về nhà.

Chị An cho biết, chị quê ở Đồng Nai, hơn 10 năm trước kết hôn với chồng là thợ làm tóc ở TP. Tân An. Ngoài phụ chồng làm tóc, lúc rảnh rỗi, chị và một số bạn nữ quê Long An đã thực hiện mô hình từ thiện này.

Theo chị An, tiền thanh toán được để tại quầy, thực khách có thể tùy ý bỏ vào, không bỏ cũng không sao. Số tiền này sẽ được gom lại, cùng với tiền của chị và nhóm bạn đóng góp để mua thêm mì mới. Hàng tuần, quán nhập hàng một lần gồm nhiều loại mì và cháo ăn liền khác nhau, đủ chay và mặn.

Khách quen của quán chủ yếu là những người bán vé số dạo. Chị Thu - một người bán vé số tại phường 2, TP. Tân An cho biết, từ sau dịch Covid-19, người bán vé số đông lắm. Chị đi lại khó khăn, chỉ bán quanh chợ phường 2 đến Bến xe khách Long An. Cuộc sống giờ bấp bênh, nhờ quán mì 1.000 đồng mà chị đỡ được một bữa ăn. Có hôm quán còn cho chị 5 gói đem về.

Chị An chia sẻ, nhiều người tự nguyện quyên góp, nhưng nhóm chỉ nhận mì, cháo ăn liền, xúc xích và trứng, tuyệt đối không nhận tiền. Dù quán mới mở, sự quan tâm của mọi người khiến chị và nhóm rất phấn khởi, cảm thấy đã góp phần giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội.

(Tổng hợp)

Phúc Hưng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhung-quan-mi-1000-dong-diem-tua-am-long-cho-nguoi-yeu-the-9265.html