Khai bút vốn là một trong những nghi thức đối với những trẻ em lần đầu tiên đến trường nhập học, tục gọi là “phá mông” (bỏ sự mông muội, hết tuổi thơ ấu, bắt đầu tuổi học trò).
Người thầy đầu tiên (người thầy khởi mông) dùng bút lông thấm mực son (chu sa) điểm một chấm son ở vị trí giữa hai đầu ông mày của học trò, gọi là khai thiên nhãn, ngụ ý chúc các em sáng mắt sáng dạ, chăm chỉ học tập và học giỏi. Sau đó cầm tay hướng dẫn các em viết chữ nhân (người) và giảng giải về đạo đức, lễ nghĩa.
Điểm chu sa gọi là khai trí; nổi trống trường làm thức tỉnh, sáng mắt tinh tai, gọi là minh trí. Hướng dẫn các em viết chữ nhân gọi là “miêu hồng” ngụ ý trong giai đoạn mở đầu (như cấp một ngày nay) trọng tâm là dạy đạo đức, lễ nghĩa làm người.
Ngoài ra, còn có các hoạt động như hiệu trưởng phát biểu chào mừng, nói với các em bài học đầu tiên là học làm người, đồng thời động viên các em nói lên mong ước của mình, tổ chức cho những học trò đã biết viết chữ viết một vài chữ hoặc một câu với ý nghĩa may mắn, tốt lành trên một băng giấy rồi treo lên thân cây trong trường như câu đối… Hoạt động này làm cho không khí, quang cảnh buổi khai trường như một ngày hội.
Có lẽ xuất phát từ nghi thức nhập học nói trên, lâu dần hình thành tập quán khai bút đầu năm, chủ yếu trong giới trí thức Nho giáo, quan lại và nhân sỹ văn hóa - nghệ thuật, tập trung ở các trung tâm văn hóa, đô thị và một số địa phương phát triển, gia tộc có người thi cử đỗ đạt.
Từ sau giao thừa đến Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) hàng năm là thời gian tổ chức lễ khai bút. Người khai bút trang phục chỉnh tề, chuẩn bị đầy đủ “văn phòng tứ bảo” (bút, nghiên, giấy, mực) và triện (con dấu tên hoặc bút danh, nghệ danh, tên hiệu… thay cho chữ ký)…
Chọn giờ tốt, viết những chữ đầu tiên trong năm mới, có thể là một chữ, một câu, bài thơ, câu đối… thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình hoặc ca ngợi non sông, đất nước, mùa xuân, chúc phúc cha mẹ, anh em, bạn bè, con cháu. Thông thường người ta viết trên giấy đỏ, giấy màu nâu vàng hoặc những loại giấy tốt để lưu giữ, biếu tặng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho biết: “Khai bút đầu năm có thể tiến hành trong không gian riêng tư, gia đình hoặc cộng đồng. Người viết gửi gắm tình cảm, khát vọng may mắn, thành công trong học tập và sự nghiệp qua từng nét bút, từng câu từng chữ.
Đây là một hoạt động văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc, có tính giáo dục đạo lý và tinh thần nhân văn sâu sắc. Lễ khai bút thường được tổ chức gắn với tập quán cho chữ, chơi chữ, nghệ thuật thư họa… trong các lễ hội đầu xuân”.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/khai-but-dau-nam-khai-thien-nhan-948.html