Biến chứng nặng do cúm mùa
Nữ diễn viên nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên vừa qua đời đột ngột vì viêm phổi sau khi nhiễm cúm trong chuyến du lịch tại Nhật Bản, khiến nhiều người giật mình trước việc mắc cúm cũng có thể dẫn đến tử vong.
Theo Viện Truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, hiện dịch cúm mùa tại quốc gia này chủ yếu do virus cúm A gây ra, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch do virus cúm B vẫn còn tiềm ẩn.
Không riêng Nhật Bản, cúm mùa cũng đang gia tăng tại nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tính đến sáng ngày 6/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 13 ca cúm nặng. Một trong số đó là bệnh nhân V.V.U (62 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh).
Ông V.V.U có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân biểu hiện sốt, ho và khó thở. Tại cơ sở y tế địa phương, ông được xác định nhiễm cúm A. Trước tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện tại, sau hai tuần điều trị, bệnh nhân vẫn phải duy trì ống nội khí quản và ăn qua sonde dạ dày.
Một bệnh nhân khác là ông L.V.T (58 tuổi, Sơn Dương, Tuyên Quang), có tiền sử tăng huyết áp và hút thuốc lá trong 30 năm. Ông nhập viện trong tình trạng khó thở nghiêm trọng. Dù được điều trị tích cực, suy hô hấp của bệnh nhân vẫn không tiến triển, buộc phải đặt ống nội khí quản. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, sau đó bệnh diễn tiến nhanh thành sốc nhiễm trùng.
Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trong tình trạng suy hô hấp nặng, với tổn thương phổi lan rộng 80 - 90%. Trước nguy cơ suy hô hấp không hồi phục, bệnh nhân đã được can thiệp ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Sau can thiệp, chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, cần theo dõi sát sao.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm tăng đột ngột trong dịp Tết. Số bệnh nhân nhập viện đã tăng từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12.2024 lên hơn 1.200 ca, gấp 6 lần so với trước. Hiện có 3 ca nặng đang phải thở máy.
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Xuân Huy - Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, hiện có khoảng 18-20 ca cúm nặng đang được điều trị nội trú với các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp và nhiễm trùng huyết. Đặc biệt, trong số này có nhiều trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh nền, khiến nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng càng cao.
ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, cúm rất nguy hiểm với người có bệnh nền, cao tuổi và người suy giảm miễn dịch. Cúm có thể gây tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh, rất nhiều người nghĩ cúm là bệnh nhẹ và không đi khám kịp thời. Tuy nhiên, đối với người có bệnh nền, cúm có thể gây biến chứng nặng. Khi nhập viện muộn, bệnh nhân có thể suy đa cơ quan và điều trị trở nên rất khó khăn. Phát hiện sớm là yếu tố quyết định.
BSCKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thành phố đang đối diện nguy cơ bùng phát cúm mùa, nhất là khi dịch bệnh từ nhiều nơi có thể xâm nhập vào. Cúm mùa đã từng gây ra những dịch lớn như H5N1, H1N1. Điều kiện thời tiết vào mùa đông - xuân tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.
Khuyến cáo từ Bộ Y tế
Trước tình hình dịch bệnh trên, mới đây Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến trong và ngoài nước, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh kịp thời. Bộ cam kết cung cấp đầy đủ thông tin chính xác để tránh hoang mang, nhưng cũng nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Để phòng ngừa cúm mùa hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải, khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần; đeo khẩu trang tại nơi đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng và hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm.
Bên cạnh đó, tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh và duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể chất để nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm hay mua thuốc, mà cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, trong đó có 8 ca tử vong. So với năm 2023 (353.108 ca), số ca mắc giảm 17,9%, tuy nhiên số ca tử vong lại tăng thêm 5 trường hợp.
Cục Y tế Dự phòng cho biết, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus, với các triệu chứng thường gặp như đau đầu, sốt, ho, đau nhức cơ khớp và mệt mỏi. Cúm có thể nặng hơn cảm lạnh thông thường và có thể dẫn đến viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng toàn thân, thậm chí đe dọa tính mạng.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh nền, cao tuổi, hoặc hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Với những bệnh nhân mắc COPD, cúm còn đặc biệt nguy hiểm vì virus tấn công trực tiếp vào phổi, khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh chóng.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chuyen-gia-y-te-canh-bao-nguoi-dan-khong-chu-quan-truoc-dien-bien-phuc-tap-cua-cum-mua-9545.html