Kéo nhau đi tiêm phòng vì lo ngại diễn biến phức tạp của cúm mùa

Bác sĩ Bạch Thị Chinh - Giám đốc Trung tâm Y khoa VNVC cho biết, nhiều phụ huynh đã tranh thủ đưa con em đi tiêm vaccine cúm do lo ngại lây nhiễm trong môi trường tập thể. Cũng có nhiều gia đình, thậm chí đại gia đình với hơn 20 thành viên cùng đến tiêm vaccine.

Gia đình tới 20 người cùng đi tiêm

Tại Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hà (67 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bà chưa tiêm vaccine cúm bao giờ, nhưng thấy nhiều người có bệnh nền bị cúm nặng hơn nên bà quyết định tiêm.

Theo đại diện của Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc, dù trung tâm có người tiêm quanh năm, nhưng số lượng người đến tiêm đã tăng mạnh từ sau Tết. Hiện tại, trung tâm có vaccine cúm của Hà Lan, dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và người lớn, với giá 365 nghìn đồng/mũi.

cum-mua-1-1739436576.jpg
Diễn biến phức tạp của cúm mùa tại nhiều địa phương khiến người dân đổ xô đi tiêm vaccine

Cùng chồng xếp hàng làm thủ tục tiêm vaccine cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Linh Đàm (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Vân cho biết, bản thân có bệnh lý nền về tim mạch và cũng chưa từng tiêm vaccine cúm. Thời gian gần đây, khi số ca mắc cúm tăng cao, các con bà đã khuyên bố mẹ đi tiêm. Lần trước, bà đến tiêm nhưng phải chờ đợi quá lâu nên quay về. Lần này, bà chủ động đến sớm hơn để xếp hàng.

Trong khi đó, chị Lê Thị Linh (30 tuổi) vốn chỉ đưa con trai đến trung tâm này để tiêm vaccine cúm A. Tuy nhiên, khi được các bác sĩ tư vấn, cùng việc có sẵn bệnh nền viêm xoang mãn tính, chị đã quyết định tiêm luôn cho bản thân để chủ động phòng cúm.

Ghi nhận từ gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc, số lượt người tiêm vaccine cúm từ ngày 1 đến 10 tháng 2 tăng mạnh, gấp khoảng 10 lần so với trước Tết. Trong đó, hơn 30% người đến tiêm cho biết đây là lần đầu tiên họ tiêm vaccine cúm.

Những người đến tiêm có đủ độ tuổi và thành phần khác nhau, bao gồm trẻ em, thai phụ, người cao tuổi và những người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, béo phì… Trong đó, trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ lệ lớn.

Bác sĩ Bạch Thị Chinh - Giám đốc Trung tâm Y khoa VNVC cho biết, nhiều phụ huynh đã tranh thủ đưa con em đi tiêm vaccine cúm do lo ngại lây nhiễm trong môi trường tập thể. Cũng có nhiều gia đình, kể cả các đại gia đình, hơn 20 thành viên cùng đến tiêm vaccine.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân đổ xô đi tiêm vaccine là do diễn biến phức tạp của cúm mùa tại nhiều địa phương. Ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai và Hệ thống y tế Medlatec, số lượng người đến tiêm vaccine cúm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêm vaccine phòng bệnh hiệu quả, tiết kiệm chi phí

Bác sĩ La Thị Hải Yến - bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC Linh Đàm cho biết, vaccine cúm đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, được sử dụng hơn 60 năm qua. Tiêm vaccine cúm hàng năm là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Các nghiên cứu cho thấy những người đã tiêm vaccine cúm có nguy cơ phải nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm giảm 31% so với những người chưa tiêm. Đặc biệt, ở người cao tuổi và những người có bệnh nền, vaccine giúp giảm 70 - 80% tỷ lệ tử vong liên quan đến cúm.

cum-mua-1739436577.jpeg
Số lượng người cao tuổi đi tiêm vaccine phòng cúm tăng cao

Vaccine cúm cũng giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu và giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi phải nhập viện vì cúm. Vaccine cúm cần khoảng 2 - 3 tuần để tạo đủ kháng thể bảo vệ, vì vậy người dân nên sắp xếp tiêm chủng sớm để được bảo vệ kịp thời.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), hầu hết người dân đến tiêm vaccine cúm tại trung tâm này đều chưa từng tiêm vaccine cúm trước đó hoặc đã tiêm từ rất lâu. Các triệu chứng của cúm thường giống cảm lạnh khiến nhiều người chủ quan nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi.

Thực tế, một số trường hợp mắc cúm có thể tự khỏi khi được chăm sóc tại nhà, nhưng điều kiện là người đó phải khỏe mạnh, không có bệnh nền và không thuộc nhóm dễ tổn thương như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, hoặc thai phụ.

Đối với những người thuộc nhóm dễ bị mắc bệnh, cúm có thể là yếu tố làm tình trạng bệnh nền nặng thêm. Vì vậy, tiêm vaccine cúm định kỳ là phương pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng cho người có bệnh nền khi mắc cúm, đồng thời góp phần giảm chi phí y tế.

Một mũi vaccine cúm có giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Nếu không may mắc cúm, điều trị bằng thuốc sẽ tốn ít nhất từ 500.000 - 600.000 đồng, chưa kể chi phí khám và xét nghiệm. Trường hợp biến chứng nặng như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, lọc máu, chi phí điều trị có thể lên tới 40 triệu đồng/ngày, và trong một số trường hợp, chi phí còn cao hơn nhưng vẫn không thể cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân nên chủ động tiêm vaccine định kỳ, đúng lịch, trước mùa dịch bệnh để phòng ngừa hiệu quả. Bởi lẽ, vaccine không có hiệu quả ngay sau khi tiêm, mà phải mất ít nhất 1 tuần để tạo ra kháng thể và khả năng phòng bệnh sẽ đạt tối đa sau 1 tháng.

Theo bác sĩ Tuấn, nhu cầu tiêm vaccine cúm những ngày qua tăng mạnh, nhiều điểm tiêm đã đông lên gấp đôi, gấp ba. Thường thì mọi người không quan tâm đến tiêm vaccine, nhưng khi dịch bệnh bùng phát, số người đổ xô đi tiêm sẽ gây ra tình trạng chậm trễ trong phòng dịch.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/lo-ngai-dien-bien-phuc-tap-cua-cum-mua-nguoi-dan-keo-nhau-di-tiem-vaccine-9669.html