Cúng nhập trạch có ý nghĩa gì?
Người Việt Nam thường có câu “đầu xuôi đuôi lọt”, ý nói đến việc khởi đầu tốt, thuận lợi thì suốt quãng thời gian sau sẽ luôn gặp may mắn. Trái lại nếu khởi đầu đã gặp xui xẻo thì về sau xui xẻo càng đến nhiều hơn.
Ở mỗi vùng đất, khu vực đều có thần linh cai quản. Do đó, khi chuyển đến hoặc chuyển đi, người ta thường làm lễ trình báo xin phép các vị thần để cuộc sống sau này được hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Bên cạnh đó, do gia tiên và ông Địa – Thần Tài cũng được cúng ở chỗ sinh sống cũ nên khi về nhà mới hãy làm lễ cúng nhập trạch. Lễ cúng này mang ý nghĩa báo cáo, xin phép thần linh, gia tiên để chuyển họ đến nơi thờ cúng mới. Lễ cúng nhập trạch cũng là cách để cầu mong được bảo vệ, chở che và may mắn cho gia đình.
Những điều cần làm khi nhập trạch nhà mới
1. Chỉ nhập trạch khi ngôi nhà đã hoàn thiện
Theo quan niệm của phong thủy, việc nhập trạch khi nhà chưa hoàn thiện được xem là đại kỵ. Lúc này ngôi nhà chưa thi công hoàn tất nên vẫn còn có sự xáo trộn, dao động khí trường. Đồng thời khi nhà chưa hoàn thành thì bụi bặm vẫn còn tích tụ và thu hút những điềm xấu khiến khí trường ngôi nhà không được tốt. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tài lộc, sức khỏe của gia chủ.
Tốt nhất nên nhập trạch khi khí trường của ngôi nhà đã an yên, ổn định. Tức là thời điểm gia chủ đã hoàn thiện công trình từ nội thất tới cảnh quan.
Các chuyên gia phong thủy cho rằng, thời điểm tốt nhất để nhập trạch nhà mới là sau khi hoàn thành công trình từ khoảng 1 – 2 tuần.
2. Chọn ngày nhập trạch
Theo văn hóa của người Việt Nam thì lễ nhập trạch là một nghi lễ quan trọng nên không thể tổ chức tùy tiện. Vì vậy, khi về nhà mới cần chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành nhập trạch.
Lưu ý, các gia chủ nên tránh chọn ngày nhập trạch vào tháng 7 Âm lịch bởi đây là thời điểm âm khí rất cao.
Người Việt còn có câu “nửa đầu, nửa đoạn làm việc gì cũng dang dở”, do đó không nên làm lễ nhập trạch vào những ngày Nguyệt kỵ (là các ngày có số cộng lại bằng 5) trong tháng như: 5, 14, 23.
Theo đó, ngày tốt là ngày hội tụ các yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Nếu ngày này hợp mệnh với gia chủ thì càng tốt. Ngày nhập trạch tốt sẽ mang tới cho gia chủ sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, tài lộc. Hãy chọn những ngày thuộc hành Thủy, Kim vì hành Kim giúp sinh sôi nảy nở, còn hành Thủy giúp duy trì tài lộc.
3. Đuổi vận khí không tốt bằng cách xông nhà
Xông nhà là một trong những hình thức được gọi là tẩy uế cho nhà mới. Theo quan niệm của người xưa, những ngôi nhà mới chưa có người ở thường tích tụ nhiều âm khí. Chính nguồn âm khí này sẽ kìm hãm sự phát triển, thành công, may mắn và an yên của gia đình.
Với những căn nhà được mua lại thì việc xông nhà nhập trạch trước khi vào ở là việc làm vô cùng cần thiết nhằm xua đuổi tà khí và đón nhận luồng khí tốt, đem đến khởi đầu suôn sẻ, may mắn.
Khi xông nhà, gia chủ cần mở hết cửa để khí xấu theo khói đẩy ra ngoài. Hãy xông theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Lưu ý không được bỏ qua các vị trí góc tường, nơi dễ bị ẩm mốc. Sau đó, hãy bật hết các bóng đèn trong nhà để tăng nhiệt và dương khí, giúp khí xấu được xua tan một cách nhanh chóng.
4. Trong ngày nhập trạch không nên nói chuyện xui rủi hoặc tức giận
Theo phong thủy, khi nhập trạch về nhà mới không nên nói chuyện xui xẻo hay có thái độ tức giận, đây là điều kiêng kỵ. Hãy luôn giữ tâm thế và trạng thái vui vẻ, tích cực để mọi việc sau này được thuận lợi, hanh thông. Ngoài ra nên nói những lời tốt đẹp, lời chúc hay để ngôi nhà thu hút được vận khí tốt và tài lộc.
5. Thắp hương trong 100 ngày đầu
Khi lễ nhập trạch được thực hiện xong, gia chủ phải tiến hành làm lễ rước bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật, bàn thờ Ông Địa, bàn thờ Thần Tài Thổ Địa vào nhà mới.
Theo phong thủy, thời gian đầu các tượng thần vẫn chưa đủ linh khí để phù hộ, che chở và mang lại may mắn cho gia chủ. Do đó, gia chủ cần thắp hương trong 100 ngày đầu tại nhà mới để tụ khí, giúp các tượng thần thêm phần linh thiêng.
Cách thắp hương về nhà mới được hướng dẫn như sau: Mỗi buổi sáng gia chủ thay nước và thắp 1 nén nhang, làm liên tục trong 100 ngày. Còn khi muốn cầu xin điều gì thì hãy thắp 3 nén nhang theo hàng ngang. Vào ngày rằm và mùng một thì thắp 5 nén hương theo hình chữ nhật.
Biên Thùy
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/5-dieu-can-thuc-hien-khi-nhap-trach-nha-moi-de-gia-dinh-luon-khoe-manh-tai-loc-9693.html