Đề xuất chế tài mạnh với hành vi bỏ đất hoang, không sử dụng

Sở TN&MT TP.HCM vừa kiến nghị Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể về việc xử lý tình trạng bỏ đất hoang, không sử dụng. Đồng thời đề xuất bổ sung quy định pháp lý nhằm tăng cường chế tài xử phạt và thu hồi đối với các trường hợp sử dụng đất không hiệu quả.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Bộ TN&MT về những khó khăn trong việc xử lý hành vi để đất trống khi giải quyết hồ sơ sử dụng đất. Theo Sở, trong quá trình đăng ký đất đai và gia hạn quyền sử dụng đất, nhiều trường hợp chủ sử dụng để đất trống, bỏ hoang mà không khai thác.

Xác định hành vi vi phạm pháp luật

Dù các chủ đất này vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng việc không sử dụng đúng mục đích giao đất, thuê đất dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Sở TN&MT không có cơ sở xử lý vi phạm theo Nghị định 123 về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cũng như không thể thu hồi đất theo khoản 1 Điều 81 và khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai năm 2024.

Những trường hợp này thường đề nghị công nhận quyền sử dụng đất hoặc gia hạn do hết thời hạn sử dụng, nhưng không nhằm thực hiện dự án đầu tư nên không thuộc diện xử lý theo khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai năm 2024.

Vì vậy, để đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý hồ sơ đất đai, Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể về việc xác định hành vi để đất trống, bỏ hoang có vi phạm pháp luật đất đai hay không và liệu có thể thu hồi đất trong những trường hợp này. Nếu có, cần quy định rõ điều khoản xử lý phù hợp.

dat-vang-1-1740113502.jpg
Khu "đất vàng" tại nút giao Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết - Phạm Văn Bạch, thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy do Vietcombank quản lý đã bỏ trống được 13 năm

Trường hợp pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định và Nghị quyết số 98 của Chính phủ về tiết kiệm, chống lãng phí, cần bổ sung nội dung về "hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất" (bao gồm để đất trống, không sử dụng, bỏ hoang, không khai thác hết diện tích được giao) vào nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, Sở đề xuất bổ sung quy định về thu hồi đất theo Điều 81 Luật Đất đai năm 2024 đối với trường hợp đất do Nhà nước giao quản lý nhưng bị bỏ trống liên tục trong 12 tháng, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm.

Đề xuất này được đánh giá là khá hợp lý trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM nhưng không ít diện tích đất, dù đã được giao hoặc cho thuê, vẫn bị bỏ trống, không sử dụng trong thời gian dài.

Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn làm nảy sinh nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đất bỏ hoang dễ trở thành mục tiêu bị lấn chiếm, xây dựng trái phép, làm phức tạp thêm công tác quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc không khai thác quỹ đất hiệu quả khiến ngân sách Nhà nước thất thu trong khi nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội lại rất lớn.

Hệ quả của cơ chế xin - cho

Theo khảo sát, nhiều khu đất tại Hà Nội và TP.HCM có vị trí đắc địa nhưng vẫn trong tình trạng trống trơn. Chẳng hạn như khu đất 220 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) được giao để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT từ năm 2005, nhưng sau gần 20 năm vẫn chỉ là bãi đất trống, thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải, gây nhếch nhác cho khu vực.

Hay khu "đất vàng" tại nút giao Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết - Phạm Văn Bạch, thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy do Vietcombank quản lý, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2011 và trải qua nhiều lần gia hạn, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai, tiếp tục bỏ trống sau 13 năm.

Không chỉ vậy, hơn 400ha đất thuộc Khu đô thị Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội tại quận Long Biên cũng bị bỏ hoang trong nhiều năm, cỏ mọc um tùm. Dự án Usilk City của Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long được khởi công từ năm 2008 nhưng sau 16 năm, phần lớn các tòa nhà mới chỉ xây thô đến tầng 4 - 5 rồi bị bỏ hoang, khu vực xung quanh ngổn ngang vật liệu xây dựng, cỏ dại mọc um tùm.

Không chỉ riêng Usilk City, nhiều dự án đô thị hoành tráng tại khu vực ven đô như Vườn Cam, Lideco, Nam An Khánh, Mê Linh... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều công trình xây dựng dang dở hoặc hoàn thiện phần thô nhưng bị bỏ hoang hàng chục năm.

dat-vang-1740113600.jpg
Khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) với diện tích gần 5.000m² bị bỏ hoang nhiều năm

Tại TP.HCM, khu đất hơn 9.000m² thuộc dự án Thương xá Tax tại số 135 Nguyễn Huệ (quận 1) vẫn bị bỏ hoang dù nằm ngay trung tâm thành phố, từng được đề xuất làm bãi giữ xe phục vụ du khách. Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) rộng hơn 6.000m², dù có vị trí đắc địa với ba mặt tiền, cũng bị bỏ trống trong nhiều năm.

Tương tự, khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) với diện tích gần 5.000m², dù đã được giao cho UBND TP.HCM quản lý từ năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu triển khai, tiếp tục bị bỏ hoang.

Theo chuyên gia phát triển đô thị Nguyễn Quang, tình trạng bất động sản bỏ hoang là hệ quả của đầu cơ và cơ chế xin - cho. Ngoài ra, nó còn kéo theo hệ lụy môi trường khi những khu đất này không được duy trì vệ sinh, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Quan trọng hơn, sự tồn tại của những dự án bỏ hoang phản ánh sự phân hóa rõ rệt trong xã hội: một bên thiếu nhà ở trong khi một bên lại để đất đai lãng phí mà không khai thác hiệu quả.

Nhằm hạn chế tình trạng này, Bộ Xây dựng đã đề xuất tăng cường thanh tra, giám sát các dự án bất động sản. Một quy định quan trọng được đưa ra là chủ đầu tư phải triển khai xây dựng, đưa đất vào sử dụng trong vòng 2 năm kể từ khi được bàn giao. Nếu quá thời hạn mà dự án vẫn chưa triển khai, đất sẽ bị thu hồi và chủ đầu tư bị xử phạt nếu không thực hiện đúng tiến độ cam kết.

Nội dung này cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận về thị trường bất động sản. Rõ ràng, việc xử lý các dự án bỏ hoang không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc và xử lý nghiêm các vi phạm, qua đó tái khởi động và phát triển các dự án bất động sản một cách hiệu quả.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-che-tai-manh-voi-hanh-vi-bo-dat-hoang-khong-su-dung-9812.html