Thủ đoạn mới của những kẻ giả danh shipper lừa đảo

Thấy shipper đọc chính xác thông tin về cửa hàng, sản phẩm và số tiền, chị Bảo Anh không nghi ngờ, chuyển tiền thanh toán và nhắn để lại hàng dưới sảnh chung cư. Chị chuyển khoản xong thì lại bất ngờ được shipper báo nhầm tài khoản. Lúc này, chị mới nghi ngờ mình bị lừa và vội vàng liên hệ lại với nơi bán.

Đọc đúng thông tin khách hàng

Thủ đoạn giả dạng shipper (người giao hàng) để lừa đảo không phải mới xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phương thức của những đối tượng này đã ranh mãnh hơn khi đọc chính xác thông tin về sản phẩm, giá tiền, địa chỉ và số điện thoại. Điều này khiến không ít người dù cảnh giác mà vẫn bị mắc bẫy.

Chị Bảo Anh (Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Chị cho biết, chị đặt đơn hàng online trị giá 1,28 triệu đồng và nhận được thông báo từ bên bán đã gửi hàng. Trưa 16/2, chị nhận cuộc gọi từ shipper thông báo đến nhận đơn hàng với tổng giá trị 1,28 triệu đồng và 30.000 đồng tiền ship.

lo-tin-1740113911.jpeg
Thủ đoạn ranh mãnh của những kẻ giả danh shipper khiến nhiều người cảnh giác mà vẫn mắc bẫy

Vì không có nhà, chị dặn shipper để hàng dưới sảnh chung cư. Do thông tin về cửa hàng, sản phẩm và số tiền đều chính xác, chị không nghi ngờ và đã chuyển tiền. Chị chuyển khoản xong, shipper lại thông báo nhầm số tài khoản ngân hàng và yêu cầu chị liên hệ với người tự xưng là quản lý của Giao Hàng Tiết Kiệm để xử lý. Người này giải thích, shipper đã sử dụng số điện thoại khác để đăng ký hội viên, dẫn đến nhầm lẫn số tài khoản.

Khi kiểm tra lại với cửa hàng, chị Bảo Anh phát hiện đơn hàng vẫn đang được giao qua Viettel Post và không có thông tin bị lộ. Đặc biệt, chủ shop thông báo, trong ngày 16/2, 2 khách hàng khác cũng đã bị lừa theo cách tương tự. Thậm chí, một số khách hàng còn phản ánh, dù đã nhận hàng nhưng vẫn có cuộc gọi đến yêu cầu chuyển tiền.

Không riêng người mua, ngay người bán cũng “đau đầu” về tình trạng này. Một chủ cửa hàng quần áo ở Thanh Hóa cho biết, cửa hàng của anh chọn Viettel Post vì tin tưởng vào độ bảo mật của dịch vụ này. Tuy nhiên, sáng 19/2, khách hàng của shop đã bị lộ thông tin đơn hàng và bị lừa tiền.

Anh cảnh báo, lừa đảo ngày càng tinh vi, tốt nhất khách hàng nên chuyển khoản và nhận đơn 0 đồng. Nếu thanh toán khi nhận hàng, hãy kiểm tra kỹ thông tin. Từ nay, cửa hàng sẽ cung cấp thông tin vận chuyển để khách hàng tự kiểm tra và đối chiếu với bưu tá.

Còn chị Hạnh - chủ một cửa hàng quần áo online tại Hà Tĩnh cho biết, chỉ trong một ngày đã nhận được 3 phản hồi từ khách hàng về việc đơn hàng giao qua Viettel Post bị kẻ gian lấy cắp thông tin, giả mạo shipper để lừa đảo và chiếm đoạt tiền. Sau khoảng 5 - 6 năm kinh doanh online, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải trường hợp khách hàng bị lừa như vậy.

Chị Hạnh chủ yếu kinh doanh quần áo order trên Facebook. Sau khi hàng về, chị sẽ thông báo cho khách về giá cả, phí vận chuyển qua Facebook, rồi tạo đơn qua ứng dụng Viettel Post.

Chị không biết bằng cách nào, các đối tượng lừa đảo thông báo đúng số tiền ship cho từng khách. Sau sự việc này, chị quyết định yêu cầu khách hàng thanh toán toàn bộ tiền sản phẩm và tiền ship trước, chỉ nhận đơn 0 đồng để tránh rủi ro bị lừa đảo.

Không chỉ Viettel Post, nhiều chủ cửa hàng cũng phản ánh tình trạng tương tự xảy ra với Vietnam Post (VNPost) trong thời gian gần đây. Vào tháng 6/2024, VNPost thông báo hệ thống công nghệ thông tin của Bưu điện Việt Nam đã bị tấn công trái phép, ảnh hưởng đến các dịch vụ chuyển phát. Những vụ việc giả dạng shipper lừa đảo gần đây một lần nữa khiến người tiêu dùng và chủ cửa hàng dấy lên lo ngại về việc lộ thông tin cá nhân.

lo-tin-1-1740113911.jpg
Nhiều người bày tỏ lo lắng lộ thông tin khi mua hàng online

Cách phòng tránh shipper giả

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi trên Báo Dân trí, đại diện Viettel Post cho biết, đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo về việc mạo danh nhân viên giao hàng để chiếm đoạt tài sản. Theo đại diện của Viettel Post, mọi cuộc gọi từ bưu tá của đơn vị đều hiển thị tên VIETTELPOST rõ ràng.

Bên cạnh đó, công ty luôn mã hóa số điện thoại và thông tin khách hàng, vì vậy rất khó để hacker có thể truy cập vào các thông tin này. Viettel Post luôn chú trọng công tác bảo mật thông tin khách hàng, tăng cường các biện pháp bảo vệ, kiểm tra kỹ đội ngũ giao hàng và ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Hãng vận chuyển này khuyến cáo khách hàng nếu không chắc chắn về nguồn gốc của bưu kiện, không nên nhận hàng hoặc thanh toán tiền.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, để tránh nguy cơ rơi vào vòng vây của chiêu thức lừa đảo, mạo danh shipper, người mua hàng cần lưu ý các điều dưới đây:

Thứ nhất, theo dõi tiến trình giao đơn liên tục. Hầu hết các đơn vị vận chuyển uy tín đều cung cấp mã vận đơn để cả chủ shop và khách hàng có thể theo dõi tiến trình đơn hàng. Người dùng nên thường xuyên kiểm tra trạng thái đơn hàng qua ứng dụng hoặc website của công ty vận chuyển để biết đơn hàng đang ở đâu, như là đang lấy hàng, đến kho vận hay đang giao. Nếu phát hiện bất kỳ thông tin bất thường nào, hãy ngay lập tức liên hệ với bên bán hoặc đơn vị vận chuyển để được hỗ trợ kịp thời.

Thứ hai, chỉ chuyển tiền cho shipper khi bản thân trực tiếp nhận hàng, kiểm tra hàng. Trước khi thanh toán, khách hàng nên mở gói hàng để kiểm tra xem sản phẩm có đúng với mô tả, đủ số lượng và không bị hư hỏng. Nếu phát hiện bất kỳ sai sót nào, hãy từ chối nhận hàng và thông báo ngay cho bên bán. Tránh tình trạng thanh toán trước khi kiểm tra, vì sau khi đã thanh toán, khả năng khiếu nại và lấy lại tiền sẽ rất khó khăn.

Thứ ba, tuyệt đối không chuyển tiền cho tài khoản cá nhân không rõ ràng. Nhiều trường hợp shipper lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước vào tài khoản cá nhân, không phải của đơn vị vận chuyển. Nếu gặp phải tình huống này, hãy bình tĩnh từ chối và liên hệ ngay với bên bán để xác nhận thông tin. Để giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo, bạn có thể lựa chọn thanh toán qua ngân hàng ngay khi đặt đơn hàng, thay vì thanh toán COD hoặc tiền mặt.

Thứ tư, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Việc công khai các thông tin như số điện thoại, địa chỉ trong các bài đăng hoặc livestream có thể khiến bạn trở thành mục tiêu của kẻ gian. Chúng có thể sử dụng thông tin này để mạo danh hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo. Khi mua sắm, tốt nhất bạn nên trao đổi thông tin đơn hàng qua tin nhắn riêng với người bán.

Thứ năm, không truy cập vào các đường dẫn lạ. Kẻ xấu có thể gửi những đường link giả mạo qua tin nhắn hoặc email yêu cầu bạn cập nhật thông tin đơn hàng hoặc thực hiện thanh toán. Những đường dẫn này có thể chứa mã độc hoặc dẫn đến trang web giả để đánh cắp thông tin cá nhân. Do đó, bạn cần hết sức cảnh giác và tuyệt đối không nhấn vào các đường link không rõ nguồn gốc. Chỉ nên truy cập vào các liên kết từ ứng dụng hoặc website chính thức của đơn vị bán hàng hoặc vận chuyển.

Thứ sáu, chỉ trao đổi thông tin đơn hàng qua ứng dụng mua sắm. Các sàn thương mại điện tử thường cung cấp hệ thống nhắn tin nội bộ giúp khách hàng và shipper trao đổi thông tin. Điều này đảm bảo tính minh bạch và có bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp. Để tránh rủi ro bị lừa đảo, bạn nên sử dụng phương thức này và hạn chế liên lạc qua số điện thoại cá nhân của shipper.

Cuối cùng, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Bởi mã OTP là thông tin bảo mật quan trọng, thường được dùng để xác nhận giao dịch hoặc thay đổi tài khoản. Thực tế không một shipper, bên bán hay đơn vị vận chuyển nào yêu cầu cung cấp mã này. Do đó nếu ai đó tự xưng là shipper và yêu cầu mã OTP, đây là dấu hiệu của lừa đảo, bạn cần từ chối ngay lập tức.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thu-doan-moi-cua-nhung-ke-gia-danh-shipper-lua-dao-9813.html