Mua vài trăm nghìn, bán tiền tỷ
Ngày 24/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo đã bắt giữ Nguyễn Anh Tuấn (39 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Nhớ (37 tuổi, cùng trú tỉnh Bình Dương) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vợ chồng Tuấn bị cáo buộc đã thực hiện một vụ lừa đảo tinh vi, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng từ những người tu tập.
Tại cơ quan công an, Tuấn khai 2 vợ chồng đã học Phật pháp và tìm cách thu hút người theo tu tập qua YouTube. Sau khi kết nối với những người có nhu cầu, họ mời những người này đến khu rẫy hơn 6ha tại xã Ea Khal (huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) để thực hành ẩn tu.
Để củng cố niềm tin, vợ chồng Tuấn tạo nhiều tài khoản Gmail giả, do Nhớ quản lý, với các tên như "Sư phụ Châu Ngọc" và "Sư mẫu Hoàng My Lan". Những tài khoản này được sử dụng để trò chuyện, tư vấn và lôi kéo nạn nhân mua các "pháp khí" với mức giá rất cao.
Tuấn thừa nhận, những "pháp khí" này chỉ có giá khoảng 250.000 đồng/sản phẩm, nhưng bị bán cho các nạn nhân với giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng, có sản phẩm được bán tới hơn 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, vợ chồng Tuấn còn chôn giấu một số vật dụng trong khu rẫy, rồi tung tin đó là "pháp khí" do sư phụ sử dụng phép thuật di chuyển, để những người tu tập tin tưởng và chi số tiền lớn mua về.
Một trong những nạn nhân kể lại, vợ chồng Tuấn đã dẫn họ đến Đắk Lắk để tu tập. Tin tưởng vào lời nói của vợ chồng Tuấn, người này đã bán 3 căn nhà ở Hà Nội và các tài sản khác để chi ra hơn 50 tỷ đồng mua "pháp khí" để học tu. Hiện tại, người này đã kiệt quệ về kinh tế sau khi bị lừa đảo.
Một nạn nhân khác là anh G. (Hà Nội) cho biết, trong quá trình đến khu rẫy của đối tượng Tuấn để tu tập, vợ anh sinh một em bé. Tuấn nói đứa bé tuổi Dần xung khắc với gia đình nên cần phải mua "pháp khí" để trấn. Tuấn đưa ra một vật phẩm hình đầu hổ, giới thiệu có nguồn gốc từ núi Himalaya trị giá 1,1 tỷ đồng. Đồng thời khẳng định nếu mua vật này, mọi sự sẽ được trấn an. Anh G. đã tin theo.
Anh G. còn chi một số tiền lớn để mua các vật phẩm khác như "bát quái đồ" trị giá hơn 5 tỷ đồng, cùng nhiều đồ dùng khác phục vụ cho quá trình tu tập. Anh cho hay, vợ chồng Tuấn nói rằng, nếu tu theo hướng dẫn của họ sẽ đắc đạo, thành tiên, khi đó sẽ không còn lo lắng về vật chất, mọi thứ đều có thể đạt được, từ vàng bạc đến kim cương...
Thượng tá Võ Anh Tú - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong quá trình thu thập thông tin, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ việc có dấu hiệu lợi dụng niềm tin, tôn giáo để lừa đảo. Sau khi nhận thấy sự nghiêm trọng của vụ việc, đơn vị đã xin ý kiến từ Ban Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk và quyết định thành lập chuyên án để điều tra, đấu tranh.
Theo Thượng tá Tú, các đối tượng đã đưa những thông tin sai lệch nhằm lôi kéo nạn nhân mua các đồ vật đắt tiền. Trước vụ việc này, Thượng tá Võ Anh Tú cảnh báo, người dân cần cẩn trọng khi tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Không nên tin theo những lời không có cơ sở, dễ gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng tinh thần và mất an ninh trật tự.
Đồng thời, nếu phát hiện các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên ngay lập tức thông báo cho cơ quan công an để kịp thời xác minh và ngăn chặn.
Việc xử lý vẫn còn gặp khó khăn
Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã triệt phát nhiều vụ án lợi dụng tâm linh để lừa đảo. Điển hình, vào tháng 11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5 (TP. HCM) đã khởi tố và tạm giam Phan Thị Thu Trang (34 tuổi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan chức năng xác định Trang đã lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan để lừa đảo chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cho biết, thủ đoạn thường được cac đối tượng lừa đảo tâm linh sử dụng là giả mạo cô đồng, thầy đồng để thực hiện các hành vi xem bói, đe dọa người dân về vận hạn để họ mua các vật phẩm như bùa chú, tiền xu, vòng gỗ hoàng đàn, vòng tỳ hưu, nhẫn… nhằm giải hạn và mang lại may mắn.
Tiến sĩ Lê Thu Huyền - Viện Nhà nước và Pháp luật nhận định, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hiện đang gặp khó khăn trong xử lý do vướng mắc về chính sách. Để xử phạt hành vi vi phạm hành chính, cần phải xác định được yếu tố lỗi.
Vấn đề ở đây là không thể khẳng định rõ ràng có lỗi hay không. Người mua, sử dụng các dịch vụ tâm linh này thường không kiểm chứng được tính xác thực của chúng, tuy nhiên họ lại tin tưởng vào nguồn gốc tâm linh của các vật phẩm này.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Hoàng Văn Chung - Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhấn mạnh, việc xác định hành vi trục lợi hoặc kiếm lợi từ các hoạt động tôn giáo là một vấn đề rất khó khăn.
Theo bản chất, hành vi bỏ tiền mua các vật phẩm cúng dường tại các cơ sở tôn giáo là tự nguyện, không bắt buộc và cũng không có cam kết về việc đóng góp bao nhiêu tiền sẽ nhận lại lợi ích tương ứng. Hơn nữa, hầu hết những người tham gia những hoạt động này đều không khiếu nại.
Theo tiến sĩ Chung, để xử lý triệt để những hành vi này, không chỉ dựa vào việc xử phạt nghiêm minh mà còn cần sự hỗ trợ từ việc tố giác, tố cáo và khiếu nại của người dân. Về lâu dài, việc giáo dục tôn giáo cần được đưa vào chương trình học từ cấp cơ sở. Học sinh phổ thông nên được dạy để có kiến thức cơ bản về tôn giáo và tín ngưỡng. Khi lên đại học, sinh viên cũng cần học sâu hơn về các tôn giáo lớn, cũng như các chính sách pháp luật liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/vu-du-do-tu-tap-chiem-doat-gan-100-ty-dong-nhuc-nhoi-lua-dao-tam-linh-9875.html