Thẩm định giá bất động sản để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế chưa chặt chẽ

Các chuyên gia cho rằng, hành vi khai giá thấp khi chuyển nhượng bất động sản để “né” thuế phí luôn “trót lọt” bởi bước thẩm định giá trị tài sản khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế chưa chặt chẽ, trách nhiệm của cơ quan thuế, văn phòng công chứng chưa được ràng buộc.

Ngày 25/9 vừa qua, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh khám xét chỗ ở, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đỗ Thị Thuý (SN 1974, trú tại  phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) về tội “Trốn thuế”. Đỗ Thị Thuý bị cho là đã kê khai giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế phí cho Nhà nước.

Hàng loạt vụ “né” thuế giao dịch bất động sản 

Theo điều tra ban đầu, trong quá trình mua bán nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Đắk Song và TP Gia Nghĩa, Đỗ Thị Thuý đã kê khai giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế phí cho Nhà nước.

Cụ thể, Thúy nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 1 thửa đất tại tổ dân phố 7 (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa) với giá trị chuyển nhượng thực tế là 9 tỉ đồng, nhưng chỉ kê khai giá trị trong hợp đồng chuyển nhượng số tiền 440 triệu đồng. Điều này đã gây thất thoát cho Nhà nước số tiền thuế hơn 166,6 triệu đồng.

Cũng với “chiêu thức” tương tự, trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng 4 thửa đất tại xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) giá trị chuyển nhượng thực tế là 6,93 tỉ đồng nhưng Thúy chỉ khai giá trị chuyển nhượng là 400 triệu đồng, gây thất thoát cho nhà nước số tiền gần 120 triệu đồng.

bi-bat-vi-khai-sai-gia-1727325571.jpg

Nhiều trường hợp khai sai giá bất động sản đã bị khởi tố

Trường hợp của Đỗ Thị Thúy không phải là cá biệt, trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cũng thi hành lệnh bắt tạm giam Lê Văn Thành (44 tuổi, ngụ khối phố Hà Trung, phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam) để điều tra về hình vi trốn thuế.

Theo đó, năm 2019, Lê Văn Thành đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất rộng 4.500 m2 ở thôn Duy Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cho cặp vợ chồng ở TP.HCM. Hợp đồng mua bán thửa đất này thể hiện giá trị chuyển nhượng 460 triệu đồng, nhưng giá trị giao dịch thực tế lên đến 21 tỉ đồng.

Việc kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế nhiều lần của Thành đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 510 triệu đồng, trong đó có hơn 410 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân và hơn 100 triệu đồng lệ phí trước bạ. Tính đến đầu năm 2024, đối tượng mới khắc phục được 170 triệu đồng.

Hồi giữa năm 2024, Cục Thuế TP Cần Thơ đã công bố báo cáo về công tác chống thất thu trong chuyển nhượng bất động sản từ tháng 10/2022 – tháng 5/2024.Theo đó, cơ quan này đã tiếp nhận gần 5.800 trường hợp chênh lệch giá trị chuyển nhượng giữa hợp đồng và phụ lục hợp đồng từ các phòng công chứng trên địa bàn thành phố.

Tổng giá trị chênh lệch chuyển nhượng bất động sản lên đến hơn 5.758 tỷ đồng. Cơ quan Thuế thành phố đã xử lý 482 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 8,33%. Trong số này 233 hồ sơ đã được chuyển hoàn tất sang công an và công an đã phản hồi 20 hồ sơ.

Cần thêm nhiều biện pháp thẩm định

Theo luật sư Thu Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi trốn thuế trong giao dịch mua bán bất động sản xảy ra khá phổ biến, thậm chí là với số tiền lớn nhưng số vụ bị xử lý hình sự rất ít. Trong quá trình thực hiện hành vi này, có rất nhiều bên liên quan, trong đó có cả bản chất hoạt động của văn phòng công chứng.

Cũng theo luật sư Hà, cần xác định việc khai giá trị thấp hơn nhiều so với thực tế là do 2 bên mua bán tự đưa ra hay văn phòng công chứng hướng dẫn? Nếu trong trường hợp, văn phòng công chứng được 2 bên chủ thể đề nghị thì không có cơ sở xử lý, nhưng nếu có lợi ích, hướng dẫn hoặc soạn hợp đồng thì cần xem xét trách nhiệm.

ke-khai-2-gia-1727325563.jpg

Cần ràng buộc thêm trách nhiệm của một số bên liên quan

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ xác định trách nhiệm, lợi ích của bên mua, nếu bên mua biết hành vi, mục đích ký hợp đồng thấp hơn giá trị thực tế để giảm thuế thì cũng có trách nhiệm. Điều này đòi hỏi các cá nhân, tổ chức giao dịch phải tuân thủ quy định, tránh để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật.

Thượng tá Trần Thế Dũng - Phó Trưởng Công an huyện Thăng Bình lý giải, hành vi này luôn “trót lọt” bởi bước thẩm định giá trị tài sản khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế chưa chặt chẽ, trách nhiệm của cơ quan thuế, văn phòng công chứng chưa được ràng buộc. Thực tế, cơ quan thuế, văn phòng công chứng sẽ biết rõ ràng mảnh đất, ngôi nhà trên hợp đồng có giá trị cao chứ không chỉ vài trăm triệu đồng nhưng họ không có quyền thẩm định, dẫn đến thất thu ngân sách.

Thông qua những sự việc trên, các cơ quan chức năng đều khuyến cáo người dân để tránh hậu quả pháp lý về sau, khi thực hiện chuyển nhượng bất động sản phải thực hiện đúng quy định pháp luật, mọi hành vi kê khai, giúp sức cho việc kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế để trốn thuế là vi phạm pháp luật.