Tuyến cáp ADC dài gần 10.000 km, với 7 trạm cập bờ tại các quốc gia dọc theo tuyến cáp là Nhật Bản, Hồng Kông SAR, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam (tại Quy Nhơn, Bình Định). Trục chính của tuyến cáp đi theo đường Singapore – Hong Kong – Nhật Bản, dài gần 10.000 km, đây là ba nơi đặt các trung tâm dữ liệu lớn nhất trong khu vực.
Tuyến cáp này có cấu hình tám cặp sợi (8FP), sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao với tổng dung lượng ban đầu trên 160 Tbps, có thể hỗ trợ các công nghệ mới nhất trong tương lai như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (AR/VR),
9 nhà đầu tư cùng tham gia xây dựng tuyến cáp gồm Softbank (Nhật Bản), ba nhà mạng Trung Quốc China Telecom Global, China Telecom Corporation, China Unicom, Singtel (Singapore), TATA Communications (Ấn Độ), National Telecom (Thái Lan), PLDT (Philippines) và Viettel của Việt Nam cùng nhà thầu NEC.
Như vậy, với tư cách là một trong những nhà đầu tư, Viettel sở hữu toàn bộ nhánh cáp biển và trạm cập bờ tại Việt Nam cùng một cặp sợi trên trục chính, với dung lượng thiết kế tối thiểu 20 Tbps. Các khách hàng Việt sẽ bắt đầu được sử dụng được dịch vụ vào đầu năm 2025.
Cùng với các tuyến cáp biển chính hiện đang khai thác tại Việt Nam là TGN-IA, AAG, APG, AAE-1, cáp biển ADC sẽ là trợ thủ đắc lực, san tải với các tuyến khác, từ đó góp phần nâng cao độ an toàn mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions: “Cáp quang ADC mới sẽ mở rộng kết nối giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, mang lại những cơ hội mới trong trao đổi thông tin, giao dịch quốc tế, và phát triển công nghệ”.
Theo “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” mà Bộ TT&TT phê duyệt vào tháng 6 năm nay, từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự định bổ sung thêm ít nhất 8 tuyến cáp quang biển nhằm đảm bảo tính bền vững, an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế không bị gián đoạn, cũng như tăng cường năng lực băng thông kết.
Để hiện thực hóa mục tiêu kể trên, các nhà mạng Việt cũng đang tích cực đầu tư thêm hệ thống cáp quang biển mới. Trong đó, tuyến cáp quang biển SJC 2 (South East Asia - Japan 2 Cable System) mà Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT tham gia đầu tư cũng đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng. Dự kiến, khi đi vào khai thác, SJC 2 sẽ bổ sung thêm 18 TBps lưu lượng quốc tế cho người dùng Việt. Tập đoàn này cũng đang tham gia đầu tư 3 tuyến cáp quang biển mới, chưa tiết lộ mức độ đầu tư cụ thể.