1 người tử vong, 119 người bị cách ly: Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan và biến chứng nguy hiểm. Trong tổng số ca mắc bệnh bạch hầu, tử vong rơi vào khoảng 5% - 10%, thậm chí có thể tăng cao đến 20% với trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Kiểm soát chặt tránh lây lan ra cộng đồng

Ngày 8/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã có báo cáo về trường hợp chị P.T.C. (18 tuổi, trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tử vong vì bệnh bạch hầu.

Trước đó, ngày 24/6, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Tưởng chỉ là cảm thông thường, bệnh nhân tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Từ ngày 26 - 28/6, bệnh nhân tham gia dự kỳ thi THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THPT Kỳ Sơn.

bach-hau-1720485207.jpg
Nhân viên y tế CDC Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm người đã tiếp xúc với bệnh nhân (Ảnh: CDC Nghệ An).

Tối 30/6, bệnh nhân được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn trong tình trạng mệt mỏi, sốt 37,8⁰C, ho, đau họng, khàn tiếng, nuốt đau, sưng vùng cổ phải, nổi hạch góc hàm 2 bên, amydal to có dịch mủ, có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ bóc tách. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh bạch hầu.

Đến ngày 3/7, bệnh nhân diễn tiến nặng hơn nên được chuyển tuyến trên điều trị. Ngày 4/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, theo dõi suy thận mạn, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu.

Bệnh nhân P.T.C. được lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Khoảng 23h50 ngày 4/7, gia đình xin cho bệnh nhân xuất viện. Thời điểm này, bệnh nhân đã được chẩn đoán theo dõi bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng. Bệnh nhân tử vong lúc 4h ngày 5/7 khi trên đường chuyển về nhà.

Chiều ngày 5/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nhận được thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm dương tính của bệnh nhân với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã truy vết và xác định có 119 người tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Hiện Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục cách ly và điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày cho những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc bệnh, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày từ khi tiếp xúc lần cuối.

Trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân có em M.T.B và M.T.S (cùng 18 tuổi) đã di chuyển tới tỉnh Bắc Giang. Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang cho biết, kết quả xét nghiệm đã xác định M.T.B. (tạm trú thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú huyện Kỳ Sơn) cũng dương tính với bạch hầu.

bach-hau-1-1720485207.jpg
Giả mạc trắng trong hầu họng bệnh nhân mắc bạch hầu

Bệnh bạch hầu bắt buộc phải khai báo

Chiều ngày 8/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang tăng cường phòng chống bệnh bạch hầu. Bộ sẽ phân bổ thuốc và hỗ trợ nhân lực phòng dịch cho 2 tỉnh này trong tình huống cần thiết.

Cục Y tế dự phòng cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, thanh quản, hầu họng, mũi. Bệnh có thể xuất hiện trên da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đáng lưu ý, đây là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu do ngoại độc tố là chất độc từ vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết từ người nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim nếu không được điều trị. Trong tổng số ca mắc bệnh bạch hầu, tử vong rơi vào khoảng 5% - 10%, thậm chí có thể tăng cao đến 20% với trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Theo Cục Y tế dự phòng, tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với vi khuẩn gây bệnh. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị bằng kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Tại ổ dịch, những người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân phải được xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong 7 ngày. Những người này cần tiêm một liều kháng sinh hoặc uống kháng sinh dự phòng từ 7 - 10 ngày, bất kể tình trạng miễn dịch của họ như thế nào.

Trường hợp kết quả dương tính thì phải được điều trị kháng sinh và tạm nghỉ việc cho đến khi có xét nghiệm vi khuẩn âm tính. Trường hợp người tiếp xúc đã được gây miễn dịch trước đây (từng tiêm vaccine bạch hầu) thì nên tiêm nhắc lại một liều giải độc tố.

PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nhiều năm qua bệnh bạch hầu đã có vaccine. Trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại nơi có dịch, cơ quan y tế sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ và người dân trên cơ sở đánh giá các yếu tố nguy cơ.