Hiện nay, trường đại học trên cả nước có các phương thức chính tuyển sinh là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực và xét học bạ. Có những trường ngoài phương thức tuyển sinh chính còn kèm theo điều kiện. Ví dụ như, thí sinh không chỉ phải đủ điểm đánh giá năng lực còn phải đáp ứng điểm tiếng Anh.
Mới đây, 182 đại học đã công bố tuyển sinh chỉ bằng điểm học bạ. Trong đó, 180 trường lấy điểm từ 2 – 6 học kỳ. Còn có 2 trường chỉ xét điểm kỳ I lớp 12 là Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương và Đại học Công nghệ miền Đông (Đồng Nai).
Đại diện Đại học Công nghệ miền Đông cho biết, ngoài điểm học kỳ I lớp 12, thí sinh có thể dùng điểm trung bình học bạ hoặc trung bình 3 môn theo tổ hợp ở lớp 12. Điểm sàn từ 5,5 trở lên. Riêng ngành Dược học và Điều dưỡng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhóm ngành sức khỏe, thí sinh cần có học lực lớp 12 loại giỏi và khá.
Còn Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, thí sing cũng có thể đăng ký để xét thêm học bạ cả năm lớp 11 và kỳ I lớp 12 hoặc điểm trung bình các môn lớp 12 theo tổ hợp.
Với các trường top đầu như Đại học Ngoại thương, Đại học Luật TP. HCM, Học viện Ngân hàng, ngoài học bạ, thí sinh phải đáp ứng thêm một số tiêu chí như là học sinh trường chuyên, có giải học sinh giỏi hay chứng chỉ quốc tế.
Năm 2024, nhiều trường khối quân đội (trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân Y) cũng lần đầu tuyển sinh bằng học bạ với khoảng 10% chỉ tiêu. Thí sinh cần có điểm tổng kết mỗi năm từ 7 trở lên, riêng các môn trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu đạt 7,5 điểm.
Thời điểm hiện tại đã có nhiều trường như Đại học Công nghệ TP. HCM, Văn Lang, Nguyễn Tất Thành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và TP HCM... đã mở cổng để thí sinh đăng ký xét học bạ.
Vài năm trở lại đây, xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh phổ biến. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức này chỉ đứng sau xét điểm thi tốt nghiệp. Năm 2022, tỷ lệ này là gần 40%, năm 2023 là 30,24%. Con số này chưa tính các phương thức kết hợp điểm học bạ và tiêu chí khác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại tuyển sinh bằng xét học bạ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. TS. Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, chất lượng đào tạo ở trường phổ thông hiện không được kiểm định, kết quả học bạ ở từng trường, từng địa phương không đạt đến một chuẩn chung. Do đó, phương thức này có thể dẫn đến sự không công bằng.
Trước những lo ngại này của các chuyên gia, lãnh đạo nhiều trường đại học nhận định, phương thức xét học bạ để tuyển sinh rất phù hợp, vừa thuận tiện, vừa giảm áp lực. Theo thống kê của một số trường, lực học của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ cũng không chênh lệch nhiều so với sinh viên đỗ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.