2 dự án lớn vừa được bổ sung vào danh mục công trình quan trọng quốc gia

Hai dự án mới được bổ sung là các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải gồm: đường Vành đai 4 TP. HCM và đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM – Long Thành (cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây).

Vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã quyết định bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Cụ thể, có 2 dự án được bổ sung là: dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM và dự án đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM – Long Thành (cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây).

Dự án đường Vành đai 4 TP. HCM có tổng chiều dài 207km chạy qua 5 tỉnh thành là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Long An. Trong đó đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18,1km, Đồng Nai 45,6km, Bình Dương có chiều dài 47,5km, TP. HCM là 17,3km và tỉnh Long An dài nhất với 78km. Dự án được Thủ tướng thống nhất giao Long An làm đầu mối chủ trì.

vanh-dai-4-tphcm-1712888338807104286443-1717990069.png
Sơ đồ hướng tuyến dự án đường Vành đai 4 TP. HCM (Ảnh: Tuổi trẻ online)

Năm 2011, dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó, 33.095 tỷ đồng là chi phí xây dựng, 47.258 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng và 25.611 tỷ đồng dành cho chi phí quản lý, tư vấn dự án.

Dự án có cơ cấu vốn và phương thức đầu tư theo chủ trương chung 50/50 gồm vốn ngân sách trung ương và địa phương chiếm 50%; vốn huy động PPP chiếm 50%. Tuyến đường có quy mô 6 – 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

Dự kiến Vành đai 4 TP. HCM sẽ khởi công vào năm 2025 và hoàn thành trong năm 2028. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt kết nối các cao tốc, quốc lộ, sân bay tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo tìm hiểu, nhằm khởi động dự án này, hiện nay Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An đang xúc tiến thủ tục, hồ sơ liên quan.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã đồng ý và giao Công ty CP Tập đoàn MIK làm nhà đầu tư lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tới nay MIK đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh đang đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù như giải phóng mặt bằng, khai thác vật liệu… để triển khai dự án.

Tại Long An, nhằm đồng bộ với 4 địa phương còn lại UBND tỉnh đã thông báo thống nhất hướng thiết kế ban đầu của tuyến và chọn mặt cắt ngang có nền đường rộng 25,5m.

Dự án đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành (thuộc cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây) có chiều dài 21,92 km.

cao-toc-hvc-long-thanh-dau-giay-1717990106.jpg
Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: VEC)

Công trình này được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất với quy mô từ 4 lên 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng 10 làn xe. Hiện nay đã giải phóng mặt bằng để mở rộng 8 làn xe.

Dự án đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM – Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 14.339 tỷ đồng. Trong đó hơn 4.639 tỷ đồng tương đương 32% là vốn chủ sở hữu của VEC, 9.700 tỷ đồng tương ứng 68% là vốn vay thương mại.

Dự kiến tới tháng 6/2028 dự án này sẽ hoàn thành và có thời gian hoàn vốn trong vòng 29 năm. Theo nhận định của VEC, phương án này đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến tới năm 2035 với lưu lượng khoảng 114.315 xe con quy đổi/ngày đêm.

Được biết trước đó, vào đầu tháng 10/2009 dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức khởi công với chiều dài 55,7km, quy mô 4 làn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng tương đương 997,67 triệu USD.