3 nhóm nguyện vọng thí sinh cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học

Trước việc còn nhiều thí sinh bối rối, chưa đăng nhập vào hệ thống để chọn đăng ký nguyện vọng, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương đã đưa ra gợi ý mà theo bà là khá hiệu quả để thí sinh xác định một tập hợp nguyện vọng cùng thứ tự ưu tiên.

Chia nhóm nguyện vọng

Từ ngày 18/7, thí sinh đã bắt đầu đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học. Thời hạn đăng ký cuối là 17h ngày 30/7. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần. Tài khoản đăng ký chính là tài khoản các thí sinh đã dùng trước đó cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Những em đã trúng tuyển sớm bằng xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, các loại chứng chỉ... thì cần đăng ký các nguyện vọng này lên hệ thống để được công nhận chính thức. Ngoài ra, thí sinh có thể bỏ ngành đã "trúng tuyển sớm" nếu không thực sự yêu thích, không có nguyện vọng nhập học.

nguyen-vong-dai-hoc-2-1721622737.jpg
Học sinh có thể chia 3 nhóm để xác định nguyện vọng cùng thứ tự ưu tiên (Ảnh: Vân Trang)

Trong ngày mở cổng đầu tiên, đã có hơn 600.000 nguyện vọng được đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều thí sinh chưa đăng nhập vào hệ thống.

Trước việc còn nhiều thí sinh bối rối, chưa đăng nhập vào hệ thống để chọn đăng ký nguyện vọng, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương đã đưa ra gợi ý mà theo bà là khá hiệu quả để thí sinh xác định một tập hợp nguyện vọng cùng thứ tự ưu tiên.

Theo bà Hiền, các thí sinh cần xác định một danh mục những nguyện vọng mà mình mong muốn. Danh mục này nên chia làm 3 nhóm: Thứ nhất là “nhóm ước mơ”, nghĩa là cái gì thích phải có trong danh mục nguyện vọng, dù có thể hơi bay bổng, tham vọng nhưng là thứ mà các em thực sự thích.

Thứ hai là nhóm vừa sức, gồm cả các nguyện vọng chưa đỗ nhưng so với điểm chuẩn những năm trước hay dự kiến phổ điểm của năm nay khả năng đỗ là cao và những nguyện vọng đã xét tuyển sớm.

Thứ ba là nhóm đảm bảo rủi ro. Thực tế, có nhiều học sinh còn chưa có một nguyện vọng xét tuyển sớm nào. Nhóm nguyện vọng này có thể thấp hẳn, nhưng bảo đảm cho các em tránh rủi ro. Sau đó, xếp lại danh mục đó theo đúng một nguyên tắc là thứ tự sự yêu thích của bản thân.

Lỗi điền nguyện vọng hay gặp

nguyen-vong-dai-hoc-1-1721622684.jpg

Nhằm hạn chế tối đa việc thí sinh mắc lỗi trong đăng ký nguyện vọng, mới đây PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đưa ra các lưu ý. Theo đó, với thí sinh đã trúng xét tuyển sớm của các trường đại học thì vẫn cần phải đăng ký trên hệ thống của Bộ.

Bởi khi xét tuyển sớm, các em mới đăng ký vào hệ thống riêng của từng trường. Các em có thể đủ điều kiện trúng tuyển rất nhiều nguyện vọng xét tuyển sớm, nhưng sẽ chỉ nhập học vào một ngành của một trường duy nhất. Những nguyện vọng còn lại phải dành cho thí sinh khác, vì vậy phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Thủy cho hay, trước đây đã có những trường hợp thí sinh không đăng ký một nguyện vọng trúng tuyển sớm nào, đến khi hết thời hạn quy định mới quay lại đăng ký thì hệ thống đã đóng.

Theo bà Thủy, một lỗi mà các thí sinh thường hay gặp trong quá trình đăng ký xét tuyển là không kết thúc quy trình. “Chỉ khi các em nhấn vào nút kết thúc quy trình, hệ thống mới ghi nhận các nguyện vọng của các em”, bà Thủy lưu ý thí sinh.

Bà Thủy cũng nhắc thí sinh việc sắp xếp thứ tự các nguyện vọng theo mức độ ưu tiên trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng quan trọng. Bởi các em sẽ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo thứ tự ưu tiên trong tổng số những nguyện vọng mà các em có thể trúng tuyển.

Vụ Giáo dục Đại học từng nhận nhiều đơn kiến nghị sau xét tuyển, rằng muốn theo học nguyện vọng số 5, thay vì nguyện vọng xếp thứ hai. Nhưng lúc này làm sao đổi được nữa khi hệ thống đã ghi nhận và lọc.

Theo bà Thủy, thí sinh có thể đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn nhưng không nên đăng ký quá nhiều. Bởi các em sẽ lẫn lộn, bối rối, lúng túng không biết sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự như thế nào, dễ nhầm lẫn thứ tự giữa các nguyện vọng. Ngoài ra, đăng ký nhiều nguyện vọng quá cũng gây tốn kém lệ phí tuyển sinh.